ĐIỀU TRỊ CO GIẬT – ĐỘNG KINH

van hanh

Co giật, hay dân gian hay gọi “làm kinh”, “giật kinh phong” là một hiện tượng mà người bệnh bị mất ý thức, cứng và co cơ không kiểm soát được, sau đo giật cơ tay chân, và cuối cùng người bệnh hồi tỉnh dần. Co giật có thể là biểu hiện của bệnh động kinh nhưng cũng có thể xảy ra trong các bệnh khác không phải động kinh như: co giật do sốt, chấn thương sọ não hoặc do lượng đường trong máu rất thấp. Do đó nếu bạn từng bị co giật, điều đó không nhất thiết có nghĩa là bạn bị động kinh. Còn động kinh là một bệnh mạn tính, gồm nhiều loại biểu hiện bao gồm cả co giật, các cơn lặp đi lặp lại nhiều lần.

Hãy tiếp tục đọc để tìm hiểu thêm về co giật và động kinh và phải làm gì nếu ai đó bị co giật.

NGUYÊN NHÂN GÂY CO GIẬT

Sốt (co giật do sốt)

Co giật do sốt thường xảy ra ở trẻ nhỏ khi thân nhiệt tăng đột ngột. Co giật do sốt thường tính gia đình. Không cần sốt cao mới gây co giật, có sốt là có khả năng bị co giật. Co giật do sốt đơn giản không làm tăng nguy cơ phát triển thành bệnh động kinh.

Bệnh lý cấp tính

Những bệnh lý cấp tính cũng có thể gây co giật như chấn thương sọ não, đường trong máu quá thấp hay quá cao, hay bị viêm não, viêm màng não,…

Những trường hợp như vậy, khi điều chỉnh được nguyên nhân gây ra co giật thì người bệnh không còn co giật nữa, không cần điều trị với các thuốc chống co giật.

SƠ CỨU NGƯỜI BỊ CO GIẬT NHƯ THẾ NÀO?

Trước hết, giữ bình tĩnh là quan trọng nhất để có thể giúp được người co giật. Có thể thực hiện các thao tác:

  1. Nhìn xung quanh – người bệnh có đang ở nơi nguy hiểm không? Nếu không, đừng cố gắng di chuyển/ lay lắc bệnh nhân. Di chuyển các đồ vật nguy hiểm ra xa họ.
  2. Ghi lại thời gian bắt đầu cơn động kinh.
  3. Đỡ đầu người bệnh bằng vật mềm nếu họ ngã xuống đất. Nghiêng đầu sang bên nếu được.
  4. Đừng cố gắng kiềm giữ một người đang lên cơn động kinh.
  5. Đừng đưa bất cứ thứ gì vào miệng họ như khăn, tay, nặn chanh,…
  6. Kiểm tra thời gian một lần nữa. Nếu cơn co giật không dừng lại sau 5 phút, hãy gọi xe cấp cứu.
  7. Sau khi hết co giật, đặt người bệnh ở tư thế nghiêng một bên, kiểm tra xem hô hấp của họ đã trở lại bình thường chưa. Nhẹ nhàng kiểm tra miệng của họ xem có vật cản trở đường thở của chúng như thức ăn hoặc răng giả. Nếu hơi thở của họ có vẻ khó khăn sau khi hết co giật, hãy gọi xe cấp cứu.
  8. Ở với họ cho đến khi họ hoàn toàn bình phục. Sau cơn co giật, người bệnh thường mất ý thức, cần ở cạnh họ cho đến khi họ tỉnh hẳn.

sơ cứu người bị co giật động kinh đúng cách

Khi nào nên gọi cấp cứu:

Thông thường, khi một người lên cơn động kinh không cần gọi xe cấp cứu. Tuy nhiên, hãy gọi 115 cho xe cấp cứu nếu bất kỳ trường hợp nào sau đây:

  • Khi đó là cơn động kinh đầu tiên của một người.
  • Khi người bệnh có chấn thương trong lúc có cơn động kinh
  • Khi khó thở, tím tái dù cơn co giật đã ngừng
  • Khi xuất hiện một cơn co giật ngay sau cơn co giật khác mà không có sự hồi tỉnh giữa các cơn.
  • Khi cơn co giật kéo dài hơn hai phút so với thời gian bình thường của họ; cơn co giật kéo dài hơn năm phút nếu đếm được thời gian lên cơn.

Không nên làm gì nếu ai đó bị co giật:

Cho bất cứ thứ gì vào miệng vì có thể gây nguy cơ nghẹt thở hay hít sặc

Kiềm chế người đó hoặc đè ép người co giật

Hạ sốt cho trẻ bằng cách cho trẻ vào bồn tắm khi lên cơn co giật

ĐỘNG KINH LÀ GÌ?

Từ xa xưa, dân gian thường nhầm lẫn người bệnh động kinh là do thế lực siêu nhiên, ma quỷ nhập. Tuy nhiên sự thật không phải như vậy. Não bộ con người cấu tạo bởi hàng tỷ tế bào thần kinh. Và động kinh gây ra do sự phóng điện bất thường của các tế bào thần kinh này. Biểu hiện của bệnh động kinh là các cơn động kinh. Cơn động kinh có thể có nhiều loại, có thể là triệu chứng vận động (như co cứng, co giật, sùi bọt mép), cảm giác (kiến bò), giác quan (ảo thị, ảo khứu, ảo thanh,…), tâm thần (lú lẩn).

Tỉ lệ động kinh chiếm 0,5 – 1% dân số, nghĩa là trung bình 100 người có 1 người bệnh động kinh. Động kinh có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến người lớn tuổi, mọi giới tính, mọi dân tộc trên thế giới.

CÓ PHẢI TẤT CẢ NHỮNG TRƯỜNG HỢP “XỈU” ĐỀU LÀ ĐỘNG KINH?

Có rất nhiều nguyên nhân làm cho một người mất ý thức, hay gọi là “ngất xỉu”, thường gặp nhất là do kích thích thần kinh quá mức, có thể do sợ hãi, sợ máu, sợ đau, giận dữ, hay một số trường hợp do rối loạn nhịp tim, bệnh lý tim mạch, tiếp theo mới là nguyên nhân động kinh. Do đó, việc chẩn đoán động kinh cần có sự tham gia của bác sĩ chuyên khoa thần kinh, và nếu nghi ngờ con hay người thân của bạn bị động kinh, hay có cơn “ngất xỉu” thì cần khám chuyên khoa.

có phải các trường hợp xỉu đều là động kinh

CẦN LÀM XÉT NGHIỆM GÌ KHI BỊ ĐỘNG KINH:

Động kinh chủ yếu chẩn đoán dựa vào hỏi bệnh sử và thăm khám thần kinh bởi các chuyên gia về động kinh

Đo điện não là kỹ thuật hỗ trợ thường được chỉ định trong đánh giá bệnh động kinh. Để khảo sát tốt hơn, điện não cần đo kèm với camera ghi hình và thời gian đo liên tục trong 24h hoặc ít nhất là đo trong giấc ngủ trưa

Một số trường hợp cần làm thêm MRI sọ não để khảo sát tổn thương não.

ĐỘNG KINH ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Khi người bệnh được xác định động kinh sẽ cần có điều trị phù hợp. Thuốc chống động kinh là điều trị phổ biến nhất. Nghiên cứu đã cho thấy rằng 70% người bệnh động kinh sẽ kiểm soát tốt cơn động kinh bằng thuốc chống động kinh.

Việc lựa chọn thuốc chống động kinh phụ thuộc vào loại cơn động kinh, hội chứng động kinh, độ tuổi, các bệnh lý kèm theo được bác sĩ thần kinh quyết định.

Thời gian điều trị động kinh tuỳ thuộc vào mức độ kiểm soát tốt cơn động kinh, hội chứng động kinh. Trung bình thời gian điều trị từ 2 đến 4 năm không có cơn sẽ xem xét ngưng thuốc chống động kinh. Tuy nhiên sau khi ngưng thuốc có một tỉ lệ tái phát cơn động kinh. Do đó việc ngưng thuốc phải được xem xét bởi bác sĩ điều trị, người bệnh không được tự ý ngưng thuốc trừ trường hợp dị ứng thuốc.

Các trường hợp không kiểm soát được cơn động kinh với 2 thuốc phù hợp trở lên được xem là động kinh kháng thuốc. Có thể sử dụng các phương pháp để điều trị như: Phẫu thuật động kinh, đặt máy Kích thích dây thần kinh X (VNS), Chế độ ăn ketogenic (KD) (một chế độ ăn đặc biệt giàu chất béo, được thiết kế bởi bs chuyên khoa)

Ngoài ra, người bệnh động kinh còn tăng tỷ lệ các rối loạn trầm cảm và lo âu hay các rối loạn tăng động hay rối loạn học tập ở trẻ em, do đó cần có sự tầm soát và điều trị toàn diện các rối loạn trên bởi các bác sĩ tâm thần và các chuyên viên tâm lý.

ĐỘNG KINH CÓ ĐIỀU TRỊ KHỎI KHÔNG?

Việc đánh giá khả năng khỏi bệnh động kinh tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như hội chứng động kinh gì, cơn như thế nào, nguyên nhân ra sao. Nhìn chung, khoảng 60% bệnh động kinh sẽ điều trị không có cơn và khỏi bệnh. Tuy nhiên việc đánh giá cần phải được tư vấn trên từng trường hợp cụ thể.

Với việc kết hợp can thiệp dùng thuốc và không dùng thuốc, tại Trung tâm y khoa Vạn Hạnh, các bác sĩ sẽ trực tiếp thăm khám, tư vấn và điều trị các bệnh lý Tâm thần – Thần kinh – Cơ xương khớp… Đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm từ BV Chấn thương chỉnh hình, BV Đại học Y dược… sẽ kết hợp hội chẩn, đồng thời thực hiện các phương pháp chẩn đoán tiên tiến nhất hiện nay để đánh giá tình trạng bệnh và chỉ định phác đồ điều trị cụ thể, hứa hẹn sẽ gặt hái được nhiều phương pháp toàn diện hơn trong điều trị cho người bệnh. 

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE 028.3535.4096 hoặc 028.3535.4098 – CSKH: 0867010908 hoặc đăng ký tư vấn  TẠI ĐÂY.

ĐỘI NGŨ BÁC SĨ CHUYÊN GIA ĐẦU NGÀNH

——————–

TRUNG TÂM Y KHOA VẠN HẠNH

Tận tâm – Uy tín – Hiệu quả

Hotline: 028.3535.4096 – 028.3535.4098

CSKH: 0867 01 09 08

Mail: lienhe@ykhoavanhanh.vn

159 Trần Quốc Thảo, Phường 9, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Liên hệ Close
Đặt lịch
Kiểm tra
sức khỏe
Close