Đột quỵ – Nguyên nhân, Triệu chứng, Biến chứng

van hanh

đột quỵ

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ là hiện tượng xảy ra khi lượng máu cung cấp cho một phần não bộ bị giảm đi hoặc tắc nghẽn, ngăn không cho mô tế bào não nhận oxy và chất dinh dưỡng. Tế bào não bắt đầu chết đi trong vài phút.

Đột quỵ là tình huống cấp cứu y tế, yêu cầu cần phải tiến hành điều trị ngay lập tức. Những can thiệp sớm có thể giúp làm giảm tổn thương não và các biến chứng khác.

Triệu chứng đột quỵ
  • Gặp khó khăn khi nói và không hiểu những gì người đối diện nói. Bạn có thể bị lẫn, nói ngọng hoặc khó thể hiểu được câu giao tiếp.
  • Có cảm giác tê tê hoặc bị tê liệt ở mặt, cánh tay, hay chân. Bạn có thể đột ngột có cảm giác tê tê, yếu đi, hoặc mất cảm giác hẳn ở mặt, cánh tay và chân. Hiện tượng này thường chỉ xảy ra ở nửa bên cơ thể.
  • Gặp vấn đề về thị giác ở một hoặc cả hai mắt. Đột nhiên mắt bạn bị mờ hoặc nhìn thấy khoảng tối ở một hoặc cả hai mắt, hay thị giác bị nhìn đôi.
  • Đau đầu. Nếu bạn bị đau đầu đột ngột, dữ dội, có thể kèm theo nôn mửa, chóng mặt hoặc mất ý thức, đó có thể là dấu hiệu đang bị đột quỵ.
  • Đi lại khó khăn. Khi đi bạn có thể bị vấp ngã hoặc mất thăng bằng. Bạn cũng có thể bị đột ngột chóng mặt và không thể phối hợp tay chân.

Đột quỵ là hiện tượng xảy ra khi lượng máu cung cấp cho một phần não bộ bị giảm đi hoặc tắc nghẽn

Nguyên nhân gây đột quỵ

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ: động mạch bị tắc nghẽn (đột quỵ do thiếu máu cục bộ) hoặc rò rỉ hay vỡ mạch máu (đột quỵ xuất huyết). Ở một số người lưu lượng máu đến não chỉ bị gián đoạn tạm thời, trường hợp này được gọi là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), không gây ra các triệu chứng lâu dài.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Đây là loại đột quỵ phổ biến nhất. Trường hợp này xảy ra khi các mạch máu của não bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, làm giảm lưu lượng máu nghiêm trọng (thiếu máu cục bộ). Các mạch máu bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp là do chất béo tích tụ trong mạch máu hoặc do cục máu đông hoặc các mảnh vụn khác di chuyển trong hệ thống mạch máu và đọng lại ở mạch máu trong não.

Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy nhiễm COVID-19 có thể là nguyên nhân gây ra đột quỵ do thiếu máu cục bộ, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm.

Đột quỵ xuất huyết

Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi một mạch máu trong não bị rò rỉ hoặc vỡ. Có nhiều bệnh lý có thể gây ảnh hưởng mạch máu gây ra xuất huyết não. Các yếu tố liên quan bao gồm:

  • Huyết áp cao không kiểm soát được
  • Điều trị quá mức bằng thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu)
  • Phình tại các điểm yếu trong thành mạch máu (chứng phình động mạch)
  • Chấn thương (như tai nạn xe hơi)

Một nguyên nhân ít phổ biến hơn gây chảy máu trong não là do vỡ một đám rối bất thường của các mạch máu có thành mỏng (dị dạng động mạch).

Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA)

Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA) – còn được gọi là cơn đột quỵ thoáng qua – là giai đoạn tạm thời có các triệu chứng tương tự như cơn đột quỵ. TIA không gây ra biến chứng vĩnh viễn. Nguyên nhân là do lượng máu cung cấp cho một phần não bị giảm tạm thời, có thể kéo dài đến năm phút.

Giống như đột quỵ do thiếu máu cục bộ, TIA xảy ra khi một cục máu đông hoặc mảnh vỡ làm giảm hoặc chặn dòng máu đến một phần hệ thần kinh.

Ngay cả khi bạn nghĩ mình bị TIA và các triệu chứng đã tốt lên, bạn vẫn cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Không thể chỉ dựa vào triệu chứng mà biết được bạn đang bị đột quỵ hay TIA. Nếu đã bị TIA, có nghĩa là một phần động mạch dẫn đến não bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Tiền sử đã có cơn TIA làm tăng nguy cơ đột quỵ toàn phát sau này.

Các yếu tố nguy cơ

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được bao gồm:

Các yếu tố nguy cơ về lối sống

  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Không vận động thể chất
  • Thường xuyên uống rượu hay nghiện rượu
  • Dùng các loại ma túy bất hợp pháp như cocaine và methamphetamine

Các yếu tố nguy cơ y khoa

  • Cao huyết áp
  • Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động
  • Cholesterol cao
  • Bệnh tiểu đường
  • Khó thở khi ngủ
  • Bệnh tim mạch, bao gồm suy tim, dị tật tim, nhiễm trùng tim hoặc nhịp tim bất thường, ví dụ như rung nhĩ
  • Tiền sử bệnh cá nhân hoặc gia đình có bị đột quỵ, đau tim hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua
  • Bị nhiễm Covid-19

Các yếu tố khác liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ bao gồm:

  • Tuổi – Những người từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn những người trẻ hơn.
  • Giới tính – Nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn phụ nữ. Phụ nữ thường bị đột quỵ ở lứa tuổi cao hơn và khó qua khỏi hơn so với nam giới.
  • Hormone – Sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone bao gồm estrogen làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các biến chứng thường thấy

Đột quỵ có thể gây ra tàn tật tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào thời gian não thiếu máu hay cơ quan nào bị ảnh hưởng. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Tê liệt hoặc mất khả năng vận động của cơ. Bạn có thể bị liệt một bên cơ thể hoặc mất kiểm soát một số cơ, như một bên mặt hoặc một bên cánh tay.
  • Khó nói hoặc khó nuốt.
  • Mất trí nhớ hoặc gặp khó khăn khi suy nghĩ.
  • Các vấn đề về cảm xúc. Những người đã từng bị đột quỵ có thể gặp khó khăn hơn trong việc kiểm soát cảm xúc của mình, hoặc bị trầm cảm.
  • Cơn đau. Có thể bạn bị đau, tê hoặc có cảm giác bất thường ở bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng bởi đột quỵ.
  • Thay đổi hành vi và khả năng tự chăm sóc. Những người đã từng bị đột quỵ có thể trở nên thu mình hơn.

Đột quỵ có thể gây ra tàn tật tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào thời gian não thiếu máu

Điều trị 

Thời gian vàng để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là 4 – 5 tiếng đối với bệnh nhân nhồi máu não phải dùng thuốc chống đông máu và trong vòng 6 tiếng với trường hợp nhồi máu não phải cần đến can thiệp lấy huyết khối.

Điều trị đột quỵ quan trọng là điều trị nguyên nhân. Tùy vào tình trạng khác nhau của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định những biện pháp can thiệp cần thiết:

  • Dùng thuốc chống đông máu 
  • Dùng thuốc làm tan huyết khối, phá vỡ các cục máu đông
  • Đặt stent đối với bệnh nhân có thành động mạch bị suy yếu;

Đột quỵ là một bệnh lý nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, vì thế khi cơ thể xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến đột quỵ, bệnh nhân và người nhà nên đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ để có hướng can thiệp kịp thời.  

Tập vật lý trị liệu là liệu trình bắt buộc cho bệnh nhân sau đột quỵ. Trong giai đoạn đột quỵ cấp và giai đoạn sau là giai đoạn di chứng thì tập vật lý trị liệu vẫn là phương pháp được chứng minh là thật sự có hiệu quả trong việc phục hồi chức năng cho người sau đột quỵ. 

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE 028.3535.4096 hoặc 028.3535.4098 – CSKH: 0867010908 hoặc đăng ký tư vấn  TẠI ĐÂY.

ĐỘI NGŨ BÁC SĨ CHUYÊN GIA ĐẦU NGÀNH

——————–

TRUNG TÂM Y KHOA VẠN HẠNH

Tận tâm – Uy tín – Hiệu quả

Hotline: 028.3535.4096 – 028.3535.4098

CSKH: 0867 01 09 08

Mail: lienhe@ykhoavanhanh.vn

159 Trần Quốc Thảo, Phường 9, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Tin tức khác

van hanh
Liên hệ Close
Đặt lịch
Kiểm tra
sức khỏe
Close