ĐIỀU TRỊ MẤT NGỦ CHUYÊN SÂU

van hanh

Hiện nay chứng mất ngủ đang ám ảnh rất nhiều người, không những xảy ra ở những người có độ tuổi trung niên trở lên mà còn là mối lo ngại ở rất nhiều người trẻ hiện đại. Ngoài ra rối loạn giấc ngủ còn là những triệu chứng của các bệnh lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn nhân cách, loét dạ dày tá tràng, viêm khớp, viêm phế quản, hen suyễn, cường giáp, tiểu đường…..

Mất ngủ là gì?

“Mất ngủ” hay còn gọi là rối loạn giấc ngủ,được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau để chỉ một triệu chứng hoặc một rối loạn chuyên biệt. Triệu chứng mất ngủ xảy ra ở  33% – 50% dân số trưởng thành, gây khó chịu và ảnh hưởng chức năng cho 10% – 15% số người có triệu chứng này. Mất ngủ là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng cần chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.

Bệnh nhân khó đi ngủ kéo dài ít nhất 3 ngày/tuần trong ít nhất một tháng với các dạng mất ngủ đầu hôm, giữa hôm và cuối hôm.

  • Mất ngủ đầu hôm: thường khó đi vào giấc ngủ và thường kéo dài hơn 30 phút
  • Mất ngủ giữa đêm: không duy trì được giấc ngủ, hay thức giấc giữa đêm
  • Mất ngủ cuối hôm: thức dậy sớm hơn so với bình thường  ít nhất 30 phút và tổng thời gian ngủ ít hơn 6,5 tiếng

Bạn có nguy cơ bị mất ngủ không?

Các yếu tổ nguy cơ bao gồm: sự gia tăng về tuổi tác, giới nữ, các rối loạn đồng mắc (các bệnh lý nội khoa, tâm thần, giấc ngủ và sử dụng chất), làm việc theo ca, thất nghiệp và tình trạng kinh tế xã hội thấp.

Mất ngủ được chẩn đoán như thế nào?

Mất ngủ chủ yếu được chẩn đoán bằng đánh giá lâm sàng. Việc đánh giá, chẩn đoán mất ngủ đôi khi khó khăn, đỏi hỏi phải thu thập đầy đủ thông tin, bao gồm:

  • Một bệnh sử rõ ràng, chi tiết về:
  • Tiền sử giấc ngủ: các than phiền về giấc ngủ, các tình trạng tiền giấc ngủ, mô hình thức – ngủ, những triệu chứng liên quan khác và hậu quả ban ngày của mất ngủ.
  • Tình trạng các bệnh lý nội khoa đồng mắc, việc sử dụng chất tiền sử bệnh lý tâm thần.
  • Các dữ liệu về nhật ký giấc ngủ, các thang đo hỗ trợ để đo lường mức độ suy giảm chức năng, chất lượng cuộc sống.
  • Thăm khám toàn diện về tình trạng thể chất và tâm thần cũng rất quan trọng trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến các bệnh lý đi kèm giúp chẩn đoán phân biệt nguyên nhân gây ra mất ngủ.
  • Đa ký giấc ngủ: chỉ định khi có nghi ngờ nguyên nhân mất ngủ là do liên quan các vấn đề hô hấp (ngưng thở khi ngủ) hoặc rối loạn vận động, khi chẩn đoán ban đầu không chắc chắn hoặc điều trị thất bại, hoặc sự thức tỉnh đột ngột đi kèm với hành vi bạo lực, gây thương tích.
  • Nhật kí hoạt động: một phương pháp để mô tả các mô hình nhịp sinh học hoặc rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân bị mất ngủ, bao gồm mất ngủ liên quan đến trầm cảm.
  • Các xét nghiệm cận lâm sàng khác: được chỉ định khi nghi ngờ mất ngủ là do các rối loạn đồng mắc gây ra.

Dưới đây là bảng các câu hỏi đánh giá tình trạng rối loạn giấc ngủ mà bạn có thể tự kiểm tra và đánh giá chất lượng giấc ngủ của mình, từ đó có thể tùy chọn phương pháp điều chỉnh chế độ sinh hoạt hoặc tìm đến bác sĩ để được trị liệu phù hợp. 

Điều trị mất ngủ như thế nào?

Mục tiêu điều trị rối loạn giấc ngủ

  • Cải thiện chất lượng và số lượng giấc ngủ.
  • Cải thiện sự suy giảm chức năng ban ngày do mất ngủ.

Nguyên tắc điều trị mất ngủ:

  • Việc điều trị bằng thuốc phải đi kèm với việc giáo dục bệnh nhân về:(1) các mục tiêu và kỳ vọng điều trị; (2) mối quan tâm về an toàn; (3) tác dụng phụ tiềm ẩn và tương tác thuốc; (4) các phương thức điều trị khác (điều trị nhận thức và hành vi); (5) khả năng tăng liều; (6) sự tái phát mất ngủ.
  • Bệnh nhân nên được theo dõi thường xuyên, vài tuần một lần trong thời gian đầu điều trị để đánh giá hiệu quả, các tác dụng phụ có thể xảy ra và nhu cầu sử dụng thuốc liên tục.
  • Cố gắng sử dụng và duy trì liều thấp nhất có hiệu quả và giảm dần thuốc khi điều kiện cho phép.
  • Việc sử dụng thuốc dài hạn phải đi kèm với việc theo dõi sát, liên tục đánh giá hiệu quả, theo dõi các tác dụng ngoại ý và đánh giá sự khởi phát mới hoặc đợt cấp của các rối loạn đi kèm.
  • Thời gian điều trị: dựa vào đặc điểm lâm sàng và đáp ứng chuyên biệt của từng bệnh nhân.

Phương pháp điều trị mất ngủ:

Liệu pháp tâm lý và hành vi trong điều trị mất ngủ:

  • Các can thiệp tâm lý và hành vi có hiệu quả và được khuyến cáo trong điều trị mất ngủ mãn tính nguyên phát và thứ phát. Nên được sử dụng như một biện pháp can thiệp ban đầu khi thích hợp.
  • Có hiệu quả với người lớn mọi lứa tuổi.
  • Bao gồm: vệ sinh giấc ngủ, liệu pháp kiểm soát kích thích hoặc liệu pháp thư giãn, liệu pháp nhận thức hành vi cho mất ngủ (CBT-I), liệu pháp hạn chế giấc ngủ, liệu pháp phản hồi sinh học,…

Liệu pháp hóa dược trong điều trị mất ngủ:

  • Việc lựa chọn thuốc dựa trên: (1) mô hình triệu chứng; (2) mục tiêu điều trị; (3) các đáp ứng với điều trị trong quá khứ; (4) sự ưa dùng của bệnh nhân; (5) chi phí; (6) sự sẵn có của các phương pháp điểu trị khác; (7) các tình trạng đồng mắc; (8) chống chỉ định; (9) sự tương tác của các thuốc đang sử dụng; (10) tác dụng phụ có thể có.
  • Có thể sử dụng thuốc gây ngủ ngắn hạn kết hợp với liệu pháp nhận thức hành vi.
Liên hệ Close
Đặt lịch
Kiểm tra
sức khỏe
Close