HỖ TRỢ HỌC TẬP CHO TRẺ TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý
Hoàn thành bài tập về nhà là một thử thách lớn đối với trẻ Tăng động giảm chú ý vì trẻ thường khó tập trung, ngồi yên để làm các bài tập mà trẻ không thích hoặc phải đòi hỏi sự kiên trì, cố gắng. Dưới đây là những mẹo mà phụ huynh có thể hỗ trợ con để quá trình làm bài của con thuận lợi và hiệu quả hơn.
TIP 1: Giúp trẻ quản lý các nhiệm vụ
- Vào đầu mỗi năm học, ba mẹ có thể giúp trẻ theo dõi các bài tập, hoạt động, sự kiện ở trường bằng cách sử dụng các công cụ hỗ trợ như danh sách “Việc cần làm”, “Kế hoạch tuần” “Thời gian biểu” hoặc các công cụ khác. Ví dụ như con có thể viết ra các nhiệm vụ của mỗi tuần vào bảng “Kế hoạch tuần”, viết các công việc ngắn hạn của một ngày vào “Danh sách việc cần làm”, sử dụng bìa đựng tài liệu để phân loại bài tập, ví dụ đựng bài tập giáo viên mới giao về nhà vào bìa màu đỏ và các bài tập đã hoàn thành vào bìa màu xanh lá cây.
- Nhắc nhở con bổ sung danh sách “việc cần làm” mỗi ngày, và cố gắng tuân thủ lịch trình đã được lên kế hoạch.
Ba mẹ có thể tham khảo các mẫu công cụ bên dưới.
→ Công cụ 1A. Nhiệm vụ tuần
Công cụ này có thể giúp trẻ theo dõi các việc cần làm trong tuần, xác định mục tiêu và liệt kê các hành động cần thiết để hoàn thành mục tiêu đó.
→ Công cụ 1B. Danh sách việc cần làm
Danh sách việc cần làm bao gồm các nhiệm vụ ngắn hạn, thường chỉ trong 1 ngày. Sau khi trẻ thực hiện xong một nhiệm vụ, viết dấu v hoặc ký hiệu vào ô bên trái để xác nhận đã hoàn thành.
→ Công cụ 1C. Thời gian biểu
Thời gian biểu là một công cụ chặt chẽ giúp trẻ quản lý thời gian và duy trì thói quen học tập một cách hiệu quả. Công cụ này tương tự với bảng “Nhiệm vụ tuần” nhưng được đặt trong bối cảnh sinh hoạt và các hoạt động khác của trẻ. Trẻ có thể hình dung được mình sẽ thực hiện các mục tiêu đặt ra vào thời điểm nào trong ngày cùng với các hoạt động khác của trẻ.
TIP 2: Đưa ra quy tắc/ hướng dẫn làm bài tập về nhà
Ba mẹ và con cần thảo luận để đưa ra hướng dẫn một cách chi tiết về cách thức làm bài để tránh các yếu tố gây xao nhãng hoặc ảnh hưởng đến việc hoàn thành bài tập, bao gồm các yếu tố như:
- Không gian: Chỗ ngồi học bài của con có ở nơi yên tĩnh và ít người qua lại không?
—> Bàn học và ghế ngồi của con cần có độ cao phù hợp để ngồi một cách thoải mái, được sắp xếp ở nơi yên tĩnh, tránh các khu vực thường xuyên có người lui tới trong nhà như gần phòng khách, bếp, gần cửa ra vào hoặc ti vi… Trường hợp nhà có bé nhỏ cần đảm bảo bé không làm ồn hoặc gây nhiễu đến anh/chị.
- Đồ dùng: Con có thể lấy bút mực, viết chì, thước kẻ… ở đâu?
—> Trong quá trình làm bài, con có thể gặp những sự cố như đồ dùng học tập bị hư hỏng hoặc thiếu. Con cần được sắp xếp một ngăn kéo, túi đựng đồ dùng học tập riêng để cố định ở bàn học mà con có thể dễ lấy, con cũng cần được nhắc nhở cất đồ dùng sau khi sử dụng vào vị trí cũ để tạo thói quen ngăn nắp, giúp con dễ dàng quản lý các đồ dùng và tìm kiếm chúng một cách nhanh hơn.
- Thiết bị: Con có được truy cập ipad, máy tính để tìm kiếm thông tin làm bài không?
—> Việc sử dụng ipad, máy tính trong lúc làm bài rất dễ gây xao nhãng. Khi bắt đầu tìm kiếm câu hỏi liên quan đến bài tập, trẻ rất dễ cuốn theo các thông tin khác trên mạng hoặc thậm chí là các trò chơi, video khác thú vị hơn. Do vậy, ba mẹ cần trao đổi với con cụ thể về vấn đề này. Một số giải pháp có thể đưa ra như, con tiếp tục làm các bài tập khác và để bài tập con không biết làm sau cùng, đặt giới hạn thời gian cho việc tìm kiếm thông tin (báo thức, hẹn giờ…), nhờ ba mẹ hoặc người lớn trong nhà hướng dẫn…
- Thời gian: Con cần làm bài trong bao lâu? Vào lúc nào? Con có thể nghỉ giữa giờ không? Con có thể làm gì lúc nghỉ?
—> Trẻ có thể cần một chút thời gian nghỉ ngơi, tắm rửa, ăn nhẹ sau một ngày đi học ở trường (khoảng 30 phút đến 1 tiếng). Thời gian ngồi làm bài phụ thuộc vào mức độ tập trung chú ý của từng trẻ, một số trẻ có thể ngồi học trong khoảng 10 phút, một số trẻ ít hơn. Trong thời gian đầu, phụ huynh có thể yêu cầu con ngồi học trong một khoảng ngắn, sau đó tăng dần lên. Ví dụ: Lúc đầu con chỉ ngồi học được khoảng 5 phút, sau đó tăng dần lên 8-10 phút. Tương tự, thời gian nghỉ cần được sắp xếp xen kẽ với khoảng thời gian học, trẻ cần được nghỉ ngơi ngắn tầm 3-5 phút, trẻ có thể uống nước, ăn nhẹ, vận động tay chân trước khi quay trở lại học.
- Thứ tự ưu tiên các bài tập như thế nào?
—-> Con có thể làm bài theo thứ tự từ dễ đến khó hoặc bắt đầu từ một bài tập mà con hứng thú. Điều này sẽ giúp con bớt chán nản và dễ bỏ cuộc ngay lúc đầu. Trường hợp bị giới hạn về thời gian, con nên làm những bài tập cần phải nộp trước, sau đó đến những bài tập khác ít gấp gáp hơn.
Lưu ý: Trẻ có thể cần được khuyến khích và nhắc nhở nhiều để tuân thủ các yêu cầu khi làm bài tập. Lời khen hoặc phần thưởng mà con thích có thể tạo động lực giúp con cố gắng. Điều quan trọng là trẻ cần tuân thủ thực hiện hướng dẫn này để tạo thành thói quen, khi đó việc làm bài tập với trẻ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
TIP3: Sự hỗ trợ và theo dõi của phụ huynh
- Sự đồng hành của ba mẹ là nguồn hỗ trợ vô cùng lớn để con thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ. Trẻ càng nhỏ thì càng cần ba mẹ hỗ trợ nhiều hơn như cầm tay hướng dẫn cho con, làm cùng con…Khi con lớn hơn một chút, con có thể chỉ cần có ba mẹ bên cạnh để trả lời bất kỳ câu hỏi nào mà con thắc mắc. Do vậy, ba mẹ có thể sắp xếp thời gian để xem trước bài để hướng dẫn và kiểm tra bài làm của con sau khi làm xong để đảm bảo con không làm sai hoặc bỏ sót bài nào.
- Hướng dẫn con cất bài đã hoàn thành và các đồ dùng cần thiết khác vào ba lô mỗi tối trước khi đi ngủ. Ba mẹ có thể tạo danh sách đồ dùng trong balo và cùng con kiểm tra vào mỗi tối (tham khảo mẫu bên dưới).
TIP 4: Chia nhỏ nhiệm vụ
- Trẻ dễ thấy choáng ngợp khi phải làm những bài tập dài hoặc thực hiện một nhiệm vụ khó khăn, như dự án học tập hoặc ôn thi học kỳ. Trong những trường hợp như vậy, trước tiên ba mẹ cần hỏi hoặc giải thích để con hiểu yêu cầu của nhiệm vụ, sau đó liệt kê các hành động/ hoặc việc con cần làm để hoàn thành nhiệm vụ này. Chia nhỏ các việc con cần làm thành các phần nhỏ hơn để con dễ thực hiện.
- Khi có nhiều bài tập trên cùng một trang giấy, ba mẹ có thể hướng dẫn con che các phần bài tập khác lại bằng một tờ giấy trắng để con không bị xao lãng.
TIP 5: Thay đổi và điều chỉnh
- Sau 3-4 tuần, ba mẹ có thể cùng con xem xét thói quen khi làm bài tập về nhà của con, ghi nhận những điều con đã làm tốt và những gì cần điều chỉnh để thay đổi giúp con hoàn thành bài tập về nhà hiệu quả hơn.
TIP 6: Khen ngợi và động viên
- Hãy khen ngợi những lúc con cố gắng và chăm chỉ, ngay cả khi ba mẹ thấy chưa có sự thay đổi lớn ở con. Để hình thành một kỹ năng cần rất nhiều thời gian rèn luyện, do vậy con rất cần ba mẹ hỗ trợ và nhắc nhở cho đến khi con có thể tự làm bài tập một cách độc lập. Hãy kiên nhẫn với con và với chính mình. Sự hỗ trợ của ba mẹ sẽ tạo nên những sự thay đổi rất lớn ở con.
Thạc sĩ tâm lý Đặng Thị Hữu Duyên