Phòng ngừa Đột quỵ: Hướng dẫn mới của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ

van hanh

Hướng dẫn Phòng ngừa Đột quỵ 2024 do Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (ASA) phát hành nhằm cung cấp thông tin cho các bác sĩ và nhân viên y tế về cách phòng ngừa đột quỵ.

Hướng dẫn này thay thế bản năm 2014, bao gồm các khuyến nghị cập nhật dựa trên nghiên cứu mới, tập trung vào điều chỉnh lối sống, can thiệp y tế, và xử lý các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Mục tiêu là giảm nguy cơ đột quỵ qua các biện pháp hiệu quả, dễ áp dụng, phù hợp với từng nhóm người.

Các khuyến cáo chính để phòng ngừa đột quỵ bao gồm kiểm tra sức khỏe thường xuyên, xác định các yếu tố nguy cơ, can thiệp vào lối sống và dùng thuốc khi cần thiết.

Hướng dẫn mới của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ về phòng ngừa đột quỵ

Một số khuyến nghị trong Hướng dẫn Phòng ngừa Đột quỵ 2024

1. Khám sức khỏe định kỳ

Khám định kỳ giúp phát hiện và xử lý sớm các nguy cơ. Các chỉ số như huyết áp, cân nặng và cholesterol… nên được kiểm soát chặt chẽ, giúp phòng ngừa các bệnh lý tim mạch có thể dẫn đến đột quỵ.

2. Kiểm soát các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe

Tình trạng kinh tế, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, căng thẳng mạn tính và phân biệt đối xử là các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Hướng dẫn trên khuyến nghị sàng lọc các yếu tố này để hiểu và hỗ trợ bệnh nhân cải thiện sức khỏe tổng thể tốt hơn.

3. Chế độ ăn uống

Hướng dẫn khuyến nghị những người lớn không mắc bệnh tim mạch trước đó, cũng như những người có nguy cơ cao hơn, nên tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải (đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ đột quỵ), giàu trái cây, rau củ, dầu ô liu, và protein từ cá. Chế độ này giúp giảm nguy cơ đột quỵ, trong khi chế độ ăn ít béo chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt. Với người tăng huyết áp, nên thay thế muối ăn thông thường bằng muối có chứa kali.

4. Hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất là yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Mỗi tuần, người lớn nên vận động ít nhất 150 phút ở cường độ trung bình hoặc 75 phút cường độ cao. Hạn chế thời gian ngồi nhiều, tránh thói quen ít vận động để cải thiện sức khỏe tim mạch.

Xem thêm:

Tầm soát đột quỵ cho người dưới 50 tuổi – TTYK Vạn Hạnh Cần Thơ

Tầm soát đột quỵ cho người trên 50 tuổi – TTYK Vạn Hạnh Cần Thơ

5. Quản lý cân nặng và béo phì

Duy trì cân nặng ổn định giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp và tiểu đường – những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Để quản lý cân nặng hiệu quả, nên theo dõi chỉ số BMI và đo vòng eo thường xuyên. Các phương pháp như chế độ ăn cân bằng, tăng cường hoạt động thể chất, và thay đổi lối sống tích cực… đều hỗ trợ quản lý cân nặng lâu dài và giảm béo phì.

6. Giấc ngủ

Giấc ngủ chất lượng đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa đột quỵ. Ngủ không đủ giấc hoặc giấc ngủ kém chất lượng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Hướng dẫn khuyến nghị sàng lọc rối loạn giấc ngủ và thực hiện các biện pháp như duy trì thời gian ngủ đều đặn, tạo môi trường ngủ thoải mái, và hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh trước giờ ngủ… để đảm bảo chất lượng giấc ngủ.

7. Kiểm soát huyết áp

Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ, do đó kiểm soát huyết áp là rất cần thiết. Với nhiều bệnh nhân, sử dụng hai hoặc nhiều loại thuốc hạ huyết áp là phương pháp tối ưu để đạt mức huyết áp lý tưởng. Như vậy giúp ngăn ngừa các biến chứng về tim mạch, giảm nguy cơ đột quỵ và bảo vệ sức khỏe lâu dài.

Kiểm soát huyết áp phòng ngừa đột quỵ

Xem thêm:

Trao gửi yêu thương – Chụp MRI toàn thân, tặng ngay ưu đãi 20% cho người thân

8. Quản lý đường huyết

Với bệnh nhân đái tháo đường, việc duy trì mức đường huyết ổn định có thể giảm thiểu nguy cơ và phòng ngừa đột quỵ. Các loại thuốc như GLP-1 không chỉ hỗ trợ kiểm soát lượng đường mà còn giúp giảm cân và giảm nguy cơ tim mạch. Việc kiểm soát đường huyết được thực hiện thông qua kết hợp giữa thuốc, chế độ ăn uống và thói quen sống lành mạnh.

9. Liệu pháp chống kết tập tiểu cầu

Với những bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao nhưng chưa từng bị đột quỵ hoặc thuyên tắc tĩnh mạch, aspirin liều thấp hoặc các liệu pháp chống kết tập tiểu cầu khác có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải được bác sĩ chỉ định để đảm bảo an toàn và hiệu quả, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử bệnh khác.

10. Phòng ngừa đột quỵ ở phụ nữ

Một số yếu tố đặc trưng theo giới tính làm tăng nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ như mang thai, rối loạn nội mạc tử cung, mãn kinh sớm, và sử dụng thuốc tránh thai… Do đó cần thực hiện sàng lọc và điều chỉnh phù hợp nhằm giảm nguy cơ đột quỵ.

Hướng dẫn Phòng ngừa Đột quỵ 2024 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa đột quỵ qua các phương pháp phù hợp, toàn diện và có căn cứ khoa học. Các khuyến nghị giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm thiểu nguy cơ đột quỵ cho mọi người, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

Tin tức khác

van hanh
Liên hệ Close
Đặt lịch
Kiểm tra
sức khỏe
Close