Trầm cảm ở người cao tuổi và các yếu tố liên quan
TỶ LỆ RỐI LOẠN TRẦM CẢM CHỦ YẾU VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở NGƯỜI CAO TUỔI NẰM VIỆN NỘI TRÚ
TẠI BỆNH VIỆN NGUYỄN TRI PHƯƠNG
BS. Trần Nguyễn Khánh Minh , Thái Thanh Trúc, Nguyễn Thị Mỹ Châu, Đào Thị Thu Hương, Nguyễn Đào Uyên Trang
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Rối loạn trầm cảm chủ yếu là rối loạn tâm thần thường gặp nhất ở nhóm người cao tuổi, gây ra gánh nặng bệnh tật và làm suy giảm chất lượng cuộc sống ở đối tượng này. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề trầm cảm ở người cao tuổi nằm viện nội trú.
Mục tiêu: Xác định tỷ lệ rối loạn trầm cảm chủ yếu ở bệnh nhân cao tuổi nằm viện nội trú tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả được thực hiện trên 65 bệnh nhân tại Khoa Lão và Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2021. Dữ liệu được thu thập thông qua phỏng vấn trực tiếp dựa trên bộ câu hỏi SCID-5-RV nhằm chẩn đoán giai đoạn trầm cảm theo DSM-5.
Kết quả: Tỷ lệ rối loạn trầm cảm chủ yếu ở người cao tuổi nằm viện nội trú là 46,1%. Kết quả chưa cho thấy sự khác biệt về tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm chủ yếu ở các nhóm tuổi, giới, nghề nghiệp, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, số bệnh nền hiện mắc. Ở các bệnh nhân có rối loạn trầm cảm chủ yếu thì tỉ lệ các triệu chứng xuất hiện nhiều nhất bao gồm mất ngủ (100%), khí sắc trầm (96,7%).
Kết luận: Người cao tuổi nằm viện nội trú có nguy cơ trầm cảm cao. Vì vậy, cần tầm soát và chẩn đoán chính xác để có hướng xử trí và điều trị phù hợp. Ngoài ra, cần lưu ý các triệu chứng như mất ngủ ở người cao tuổi nằm viện nội trú.