Rối loạn thích ứng là gì?

van hanh

Tìm hiểu về Rối loạn thích ứng

Rối loạn thích ứng là tình trạng liên quan đến căng thẳng. Bạn cảm thấy căng thẳng hơn bình thường khi đối phó với một sự kiện gây căng thẳng hoặc đến bất ngờ, và căng thẳng gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong các mối quan hệ của bạn, trong công việc và học tập.

Các vấn đề trong công việc, đi học xa, bệnh tật, cái chết của một thành viên thân thiết trong gia đình hoặc bất kỳ thay đổi nào trong cuộc sống đều có thể gây ra căng thẳng. Trong hầu hết trường hợp, con người thích ứng với những thay đổi như vậy trong vòng vài tháng. Nhưng nếu bạn mắc rối loạn thích ứng, bạn sẽ tiếp tục có những phản ứng về cảm xúc hoặc hành vi có thể góp phần gây ra cảm giác lo âu hoặc trầm buồn.

Tuy nhiên, bạn không cần phải tự mình vượt qua khó khăn. Việc điều trị có thể diễn ra trong thời gian ngắn và giúp bạn điều chỉnh lại cảm xúc.

Triệu chứng Rối loạn thích ứng

Các dấu hiệu và triệu chứng phụ thuộc vào loại rối loạn thích ứng và có thể khác nhau ở mỗi người. Bạn gặp nhiều căng thẳng hơn bình thường khi đáp ứng với một sự kiện gây căng thẳng, và căng thẳng gây ra những vấn đề quan trọng trong cuộc sống của bạn.

Rối loạn thích ứng ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận và suy nghĩ về bản thân và thế giới xung quanh, đồng thời cũng có thể ảnh hưởng đến hành động hoặc hành vi của bạn. Một số ví dụ bao gồm:

  • Cảm thấy buồn, vô vọng hoặc không thích những thứ bạn từng thích
  • Thường xuyên khóc
  • Bận tâm hoặc cảm thấy lo lắng, hồi hộp, bồn chồn hoặc căng thẳng
  • Khó ngủ
  • Chán ăn
  • Khó tập trung
  • Cảm thấy choáng ngợp
  • Khó khăn trong hoạt động hàng ngày
  • Thu rút hoặc tự cách ly về mặt xã hội
  • Tránh những việc quan trọng như đi làm hoặc thanh toán hóa đơn
  • Ý nghĩ hoặc hành vi tự tử

Các triệu chứng của rối loạn thích ứng bắt đầu trong vòng ba tháng sau một sự kiện căng thẳng và kéo dài không quá 6 tháng sau khi sự kiện căng thẳng kết thúc. Tuy nhiên, rối loạn thích ứng dai dẳng hoặc mạn tính có thể kéo dài trong hơn 6 tháng, đặc biệt nếu yếu tố gây căng thẳng vẫn đang diễn ra, chẳng hạn như thất nghiệp.

→ Thời gian của triệu chứng

Thời gian bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn thích ứng cũng có thể khác nhau. Rối loạn thích ứng có thể diễn ra:

  • Cấp tính: Các dấu hiệu và triệu chứng kéo dài từ sáu tháng trở xuống. Chúng sẽ giảm bớt khi tác nhân gây căng thẳng được loại bỏ.
  • Dai dẳng (mãn tính). Các dấu hiệu và triệu chứng kéo dài hơn sáu tháng. Chúng tiếp tục làm phiền bạn và làm gián đoạn cuộc sống của bạn.

Rối loạn thích ứng là gì

Khi nào đi khám bác sĩ?

Thông thường các tác nhân gây căng thẳng chỉ là tạm thời và chúng ta học cách đối phó với chúng theo thời gian. Các triệu chứng rối loạn thích ứng trở nên tốt hơn vì căng thẳng đã giảm bớt. Nhưng đôi khi sự kiện căng thẳng vẫn là một phần trong cuộc sống của bạn. Hoặc một tình huống căng thẳng mới xuất hiện và bạn lại phải đối mặt với những cuộc đấu tranh cảm xúc tương tự.

Báo với bác sĩ nếu bạn tiếp tục phải vật lộn hoặc nếu bạn gặp khó khăn trong việc vượt qua căng thẳng mỗi ngày. Bạn có thể được điều trị để giúp bạn đối phó tốt hơn với các sự kiện căng thẳng và cảm thấy tốt hơn về cuộc sống.

Nếu bạn bận tâm về sự thích ứng hoặc hành vi của con mình, hãy báo với bác sĩ nhi khoa của con bạn.

Nguyên nhân Rối loạn thích ứng

Rối loạn thích ứng là do những thay đổi hoặc yếu tố gây căng thẳng đáng kể trong cuộc sống của bạn. Di truyền, trải nghiệm sống và tính cách của bạn có thể làm tăng khả năng mắc rối loạn thích ứng.

Một số yếu tố có thể khiến bạn dễ mắc rối loạn thích ứng:

→ Sự kiện căng thẳng

Các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống – cả tích cực và tiêu cực – có thể khiến bạn có nguy cơ mắc rối loạn thích ứng. Ví dụ:

  • Ly hôn hoặc các vấn đề hôn nhân
  • Các vấn đề về mối quan hệ hoặc giữa các cá nhân
  • Thay đổi hoàn cảnh, chẳng hạn như nghỉ hưu, sinh con hoặc đi học xa
  • Các hoàn cảnh bất lợi, chẳng hạn như mất việc làm, mất người thân hoặc gặp vấn đề về tài chính
  • Các vấn đề ở trường học hoặc tại nơi làm việc
  • Các trải nghiệm nguy hiểm đến tính mạng, chẳng hạn như bị tấn công, hành hung hoặc thiên tai
  • Các yếu tố gây căng thẳng đang diễn ra, chẳng hạn như mắc bệnh hoặc sống trong khu phố có nhiều tội phạm

→ Trải nghiệm sống của bạn

Trải nghiệm sống có thể ảnh hưởng đến cách bạn đối phó với căng thẳng. Ví dụ, nguy cơ mắc rối loạn thích ứng có thể tăng lên nếu bạn:

  • Trải qua căng thẳng đáng kể trong thời thơ ấu
  • Mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác
  • Có nhiều tình huống khó khăn trong cuộc sống xảy ra cùng một lúc

Hậu quả nếu Rối loạn thích ứng không được điều trị kịp thời

Nếu rối loạn thích ứng không giải quyết được, chúng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng hơn như rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc lạm dụng chất.

Phòng ngừa Rối loạn thích ứng

Không có cách nào đảm bảo để ngăn ngừa rối loạn thích ứng. Tuy nhiên, việc phát triển lành mạnh các kỹ năng đối phó và học cách trở nên kiên cường có thể giúp ích cho bạn trong thời gian căng thẳng tột độ.

Nếu bạn biết rằng một tình huống căng thẳng sắp xảy ra — chẳng hạn như chuyển chỗ ở hoặc nghỉ hưu — hãy huy động sức mạnh nội tại của bạn, tăng cường các thói quen lành mạnh và tập hợp các hỗ trợ xã hội. Nhắc nhở bản thân rằng tình huống này thường sẽ giới hạn về thời gian và bạn có thể vượt qua. Ngoài ra, hãy cân nhắc đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để xem xét những cách thức lành mạnh để kiểm soát căng thẳng.

Chẩn đoán Rối loạn thích ứng

Chẩn đoán rối loạn thích ứng dựa trên việc xác định các yếu tố gây căng thẳng chính trong cuộc sống, các triệu chứng của bạn và mức độ ảnh hướng của chúng đến khả năng hoạt động của bạn. Bác sĩ sẽ hỏi về tiền căn y khoa, sức khỏe tâm thần và xã hội của bạn. Bác sĩ có thể sử dụng các tiêu chuẩn trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5), do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ xuất bản.

Để chẩn đoán rối loạn thích ứng, DSM-5 liệt kê các tiêu chuẩn sau:

  • Có các triệu chứng về cảm xúc hoặc hành vi trong vòng ba tháng kể từ khi một yếu tố gây căng thẳng cụ thể xảy ra trong cuộc sống
  • Trải nghiệm nhiều căng thẳng hơn dự kiến khi đối phó với một sự kiện căng thẳng trong cuộc sống và/hoặc căng thẳng gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong các mối quan hệ của bạn, trong công việc và học tập
  • Các triệu chứng không phải là kết quả của một rối loạn sức khỏe tâm thần khác hoặc một phần của sự đau buồn bình thường

Các loại Rối loạn thích ứng

DSM-5 liệt kê sáu loại rối loạn thích ứng khác nhau. Mặc dù tất cả chúng đều có liên quan với nhau, nhưng mỗi loại có các dấu hiệu và triệu chứng riêng. Rối loạn thích ứng có thể là:

  • Với khí sắc trầm: Các triệu chứng chủ yếu bao gồm cảm giác buồn, hay khóc, vô vọng và cảm thấy thiếu niềm vui với những thứ bạn từng thích.
  • Với lo âu: Các triệu chứng chủ yếu bao gồm căng thẳng, lo âu, khó tập trung hoặc hay quên và cảm thấy choáng ngợp. Trẻ em mắc rối loạn thích ứng kèm theo lo âu có thể rất sợ bị tách ra khỏi cha mẹ và những người thân yêu.
  • Với hỗn hợp khí sắc trầm lo âu: Các triệu chứng bao gồm sự kết hợp của trầm cảm và lo âu.
  • Với rối loạn về cư xử: Các triệu chứng chủ yếu liên quan đến các vấn đề về hành vi, chẳng hạn như đánh nhau hoặc lái xe liều lĩnh. Trẻ vị thành niên có thể trốn học hoặc phá hoại tài sản.
  • Với hỗn hợp của cảm xúc và hành vi: Các triệu chứng bao gồm sự kết hợp giữa trầm cảm và lo âu cũng như các vấn đề về hành vi.
  • Không biệt định: Các triệu chứng không phù hợp với các loại rối loạn thích ứng khác, nhưng thường bao gồm các vấn đề về thể chất, các vấn đề với gia đình hoặc bạn bè, hoặc các vấn đề về công việc hoặc trường học.

Điều trị Rối loạn thích ứng

Nhiều người mắc rối loạn thích ứng nhận thấy việc điều trị là hữu ích và họ thường chỉ cần điều trị trong thời gian ngắn. Những người khác, bao gồm cả những người mắc rối loạn thích ứng dai dẳng hoặc các yếu tố gây căng thẳng liên tục, có thể được hưởng lợi từ việc điều trị lâu dài hơn. Phương pháp điều trị rối loạn thích ứng bao gồm tâm lý trị liệu, trị liệu bằng thuốc hoặc cả hai.

> Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu, là phương pháp điều trị chính cho rối loạn thích ứng. Tâm lý trị liệu có thể được thực hiện dưới dạng liệu pháp cá nhân, nhóm hoặc gia đình. Trị liệu có thể:

  • Cung cấp hỗ trợ về mặt cảm xúc
  • Giúp bạn trở lại sinh hoạt bình thường
  • Giúp bạn tìm hiểu lý do tại sao sự kiện căng thẳng ảnh hưởng quá nhiều đến bạn
  • Giúp bạn học được các kỹ năng đối phó và quản lý căng thẳng để đối phó với các sự kiện gây căng thẳng

> Thuốc

Các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu có thể được thêm vào để giúp giảm các triệu chứng trầm cảm và lo âu.

Trong quá trình trị liệu, bạn có thể chỉ cần dùng thuốc trong vài tháng, nhưng không được tự ý ngừng sử dụng thuốc mà không thảo luận với bác sĩ trước. Nếu đột ngột dừng thuốc, một số loại thuốc có thể gây ra các triệu chứng cai.

 

Xem thêm:

Triệu chứng rối loạn lo âu trầm cảm cần lưu ý


Tận tâm – Uy tín – Hiệu quả
☎️ Hotline: 028.3535.4096 – 028.3535.4098
☎️ CSKH: 0867 01 09 08
📩 Mail: lienhe@ykhoavanhanh.vn
🏬 159 Trần Quốc Thảo, Phường 9, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Tin tức khác

van hanh
Liên hệ Close
Đặt lịch
Kiểm tra
sức khỏe
Close