Vôi hoá cột sống – Nguyên nhân, dấu hiệu và phòng ngừa
Người thường xuyên làm việc ở tư thế không tốt cho cột sống có nguy cơ cao mắc bệnh vôi hoá cột sống khi đến tuổi trung niên, vì đây là một dạng của lão hoá cột sống nên các yếu tố thúc đẩy sớm như hoạt động sai tư thế hoặc mắc các bệnh lý cơ xương khớp sẽ làm đẩy nhanh quá trình này, thậm chí bệnh có thể nhanh chóng chuyển biến nặng gây đau, tổn thương thần kinh và giảm vận động.
Vôi hoá cột sống là gì?
Vôi hoá cột sống có nhiều nét tương đồng với bệnh gai cột sống. Bệnh lý này thực chất là hiện tượng lắng đọng canxi gây hình thành các mỏm gai và mỏm ngang của cột sống.
Nguyên nhân vôi hoá cột sống
Ngoài việc cột sống bị vôi hoá do tác động của sự lão hoá theo thời gian, thì hiện nay rất nhiều người trẻ đến khám bệnh được chẩn đoán bị vôi hoá cột sống do ngồi làm việc một chỗ, ít vận động, các khớp xương bị chèn ép, khí huyết lưu thông kém, các tế bào xương thiếu dần dinh dưỡng. Qua thời gian dài sẽ dẫn đến viêm khớp, sau đó gây ra hiện tượng lắng đọng canxi và dần tiến triển thành vôi hóa cột sống.
Vôi hoá cột sống gây triệu chứng gì?
Bất cứ đoạn nào của cột sống cũng có thể bị vôi hoá, nhưng 2 vị trí thường gặp nhất là vôi hoá cột sống lưng và cột sống cổ.
Tuy nhiên, sẽ tuỳ vào mức độ vôi hoá mà bệnh nhân có thể sẽ không gặp phải triệu chứng gì hoặc ở mức độ nghiêm trọng hơn sẽ phải trải qua các triệu chứng sau:
- Đau cột sống, cứng các khớp ở bả vai, hông, đùi, cổ. Ở giai đoạn nặng hơn, tình trạng vôi hoá cột sống còn có thể đau lan xuống cánh tay hoặc lan đến chân.
- Rối loạn cảm giác như tê bì chân tay, cảm giác như kiến bò, đi kèm với biểu hiện nóng rát ở bàn tay và chân, kèm theo đau nhức do chèn ép dây thần kinh và tuỷ sống làm ảnh hưởng đến các vùng cơ thể liên quan, nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến teo cơ.
Biện pháp khắc phục
→ Điều trị bệnh vôi hoá cột sống dùng thuốc và không dùng thuốc
- Phương pháp dùng thuốc điều trị bệnh vôi hoá cột sống có tác dụng giúp giảm đau và chống viêm, nhờ đó, giảm được triệu chứng bệnh và làm chậm quá trình thoái hóa và vôi hóa.
- Tập vật lý trị liệu (không dùng thuốc) theo hướng đơn trị liệu hoặc kết hợp với thuốc uống sẽ giúp kéo dài hiệu quả giảm đau tốt hơn bằng sóng siêu âm trị liệu, xoa bóp…
- Trường hợp các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị đau nhức do chèn ép dây thần kinh, nhưng phải không có chỉ định phẫu thuật sẽ được chẩn đoán phong bế thần kinh và tiếp tục thực hiện phong bế can thiệp ngoại khoa – đốt dây thần kinh gây đau bằng sóng cao tần hoặc tiêm PRP vào rễ thần kinh -> hiệu quả giảm đau: lâu dài/ vĩnh viễn
→ Một số bài tập dành cho người bệnh bị vôi hoá cột sống
Bệnh nhân bị vôi hoá cột sống nên kiên trì thực hiện thêm một số bài tập dưới đây sẽ giúp cải thiện cảm giác đau và duy trì vận động, giảm nguy cơ bị teo cơ. Các bác sĩ khuyến cáo, nên tập ít nhất 2 lần trong ngày, lặp lại 10 lần 1 động tác.
- Bài tập 1: Kéo giãn và co chân
Nằm ngửa trên sàn/ trên giường, duỗi thẳng 2 chân, sau đó co 1 bên chân lại, dùng tay ôm ép sát vào ngực, đồng thời hít vào.
Giữ tư thế khoảng 10 – 15 giây, sau đó thở ra và duỗi thẳng chân, đổi bên và thực hiện tiếp tục ở chân còn lại.
- Bài tập 2: Kéo giãn – tư thế ôm chân
Tương tự với bài tập 1 nhưng thay vì làm 1 bên chân thì sẽ có cả 2 chân lên và ôm sát vào ngực, hít vào khoảng 10 -15 giây, rồi thở ra và duỗi thẳng 2 chân.
- Bài tập 3: Kéo giãn – tư thế em bé
Chuẩn bị tư thế quỳ ngồi trên hai chân, tiếp đó, cuối người về phía trước, đặt hai tay song song trên mặt sàn, đầu chạm sàn và hít thở đều đặn.
Giữ tư thế khoảng 15 giây và ngồi dậy.
- Bài tập 4: Kéo giãn và giơ chân
Tư thế này sẽ được thực hiện trên sàn và bệnh nhân được yêu cầu phải nằm ngửa với hai tay đan sau gáy hoặc đặt dọc theo thân mình và giơ một chân, duỗi thẳng đặt lên thành giường/ ghế, chân còn lại giơ cao góc 45 độ, khép, xoay về phía đối diện. Lưu ý duỗi bàn chân xuống, mông giữ sát mặt giường và hít vào.
Giữ thẳng đầu gối rồi hạ chân xuống từ từ, rồi thở ra. Thực hiện với cả hai chân.
Phòng ngừa vôi hóa cột sống như thế nào?
Vôi hóa cột sống hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng những phương pháp như:
- Tránh ngồi lâu, đứng lâu một tư thế; mang vác nặng quá mức hoặc các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế.
- Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng, tránh tình trạng béo phì.
- Tập luyện các môn thể thao đúng cách để giảm các tổn thương cơ xương khớp và chấn thương.
- Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất canxi, protein, vitamin B, vitamin C, vitamin E, glucosamine qua thức ăn và thực phẩm chức năng.