Có nên cho con học nhiều trong dịp hè không?

van hanh

(*) Bài viết được chia sẻ bởi Th.S Tâm lý Đặng Thị Hữu Duyên

Kỳ nghỉ hè đã đến! Đây là khoảng thời gian mà các bạn học sinh háo hức chờ đợi sau một năm học dài. Tuy nhiên có không ít bậc phụ huynh băn khoăn về việc có nên cho con học nhiều trong dịp hè hay để con được vui chơi thỏa thích?

Tìm hiểu sâu hơn về khái niệm “học”

Làm rõ hơn về khái niệm học, nhiều cha mẹ cho rằng học là con phải ngồi viết bài, làm bài tập, đọc tài liệu, trả lời câu hỏi trong phiếu bài tập…

Thực tế, việc học có nhiều khía cạnh đa dạng hơn thế. Trẻ em học và phát triển thông qua hoạt động vui chơi và tương tác với môi trường tự nhiên, con người.

Trẻ vị thành niên và người lớn có những phong cách học đa dạng để ghi nhớ và xử lý thông tin tốt hơn như:

  • Thị giác: Học thông qua các hình ảnh, vẽ hình và sơ đồ trực quan.
  • Thính giác: Tiếp nhận thông tin khi nghe hoặc nói như nghe podcast, quay video chia sẻ kiến thức.
  • Vận động: Học thông qua các hoạt động thực tế như sắm vai, thực hành, mô phỏng lại bằng hành động.
  • Từ ngữ: Tiếp thu thông tin ở dạng từ ngữ như sử dụng vần điệu, từ viết tắt, làm thơ, vè.
  • Xã hội: Tham gia học tập chung với người khác, hỏi đáp lẫn nhau, học theo nhóm.

Có nên cho con học nhiều trong dịp hè?

Có nên cho con học nhiều trong dịp hè không?

Việc học “nhiều” hay “ít” đối với mỗi trẻ là khác nhau, phụ thuộc vào khả năng học và sở thích học của từng trẻ.

Ví dụ như có những trẻ cực kỳ say mê với môn khoa học, dành thời gian để đọc tất cả sách khoa học mình tiếp cận được kể cả sách giáo khoa. Với con mỗi ngày dành 1 tiếng buổi tối để đọc sách là ít và con muốn có nhiều thời gian đọc sách hơn.

Nhưng bên cạnh đó cũng có một số trẻ khác gặp khó khăn về học tập, ví dụ trong môn tiếng Việt, trẻ thường viết sai chính tả, dấu câu và khó viết một đoạn văn hoàn chỉnh, khi được yêu cầu mỗi ngày ngồi vào bàn 1 tiếng để viết bài trẻ thường xuyên né tránh, căng thẳng, tỏ ra đau khổ khi trải qua giờ học này.

Những yếu tố cần xem xét khi cho bé học hè

Như vậy, thay vì suy nghĩ có nên cho con học nhiều trong dịp hè, các bậc phụ huynh có thể cân nhắc xem việc học như thế nào là phù hợp với con mình.

Các yếu tố mà cha mẹ có thể xem xét như:

Độ tuổi của trẻ

Trẻ nhỏ cần được học nhiều thông qua vận động thể chất, vui chơi với bạn bè, người lớn và tương tác với môi trường xung quanh.

Cha mẹ có thể duy trì thói quen đọc sách cho con, khuyến khích trẻ viết nhật ký, vẽ tranh, học các kỹ năng sinh hoạt trong gia đình như dọn dẹp phòng của mình, tự tắm rửa, sử dụng các đồ dùng để nấu nướng, tính toán chi phí đi chợ…

Trẻ lớn hơn có khả năng học các kiến thức tốt hơn tuy nhiên cần cân bằng giữa học tập và các hoạt động nghỉ ngơi, thư giãn để giải tỏa căng thẳng và tái tạo lại năng lượng.

Khả năng học tập của con

Con có gặp khó khăn về môn học/ lĩnh vực nào cụ thể không? Đối với một số trẻ việc học khó khăn hơn rất nhiều, các vấn đề này cần được nhận biết và hỗ trợ sớm. Cha mẹ có thể xem các dấu hiệu cần quan tâm ở phần bên dưới.

Con có gặp vấn đề về sức khỏe hay tinh thần khác có ảnh hưởng đến việc học của con không?

Ví dụ con bị ốm phải nghỉ một thời gian ở trường, con lo âu, trầm cảm kéo dài… Nếu con bị ốm và đã dần hồi phục, trong thời gian nghỉ hè, con có thể bổ sung các kiến thức đã bị hổng.

Đối với các vấn đề sức khỏe tinh thần kéo dài và ảnh hưởng đến các sinh hoạt trong cuộc sống của con, con cần được đến gặp bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý để nhận sự trợ giúp.

Khả năng tập trung học của con bao lâu? 

Thời gian học cần phụ thuộc vào khả năng tập trung của con, đối với những hoạt động kéo dài, cần chia nhỏ nhiệm vụ để con dễ theo dõi, con có thể cần được giải lao, nghỉ giữa giờ hoặc ăn nhẹ một chút trước khi quay lại để học tốt hơn.

Kỳ vọng và mong đợi của cha mẹ có phù hợp với khả năng và sở thích học của con? 

Việc đặt ra yêu cầu, mục tiêu học tập cho con có thể là động lực để con cố gắng nhưng đồng thời cũng có thể là yếu tố gây căng thẳng nếu mục tiêu và yêu cầu đó chưa phù hợp với khả năng và sở thích của con.

Cha mẹ có thể cùng ngồi lại trao đổi với con về những mong đợi và kỳ vọng của cả hai bên về việc học. Quá trình này có thể cần nhiều thời gian để tìm được tiếng nói chung nhưng chúng thực sự cần thiết đặc biệt trong giai đoạn con bước vào độ tuổi vị thành niên và bắt đầu có những suy nghĩ, ý kiến riêng về việc học của mình. 

Trong một số trường hợp trẻ có áp lực học tập nhiều nguy cơ dẫn đến các vấn đề thể chất và tinh thần khác như rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, thường xuyên đau đầu, đau bụng, căng thẳng, lo âu hay trầm cảm…

Do vậy, việc quan tâm đến sức khỏe tinh thần của con là hết sức quan trọng để cha mẹ có thể hỗ trợ con học tập và phát triển một cách phù hợp nhất. Nếu có bất kỳ lo ngại nào về sức khỏe tinh thần của con, cha mẹ có thể tìm đến các bác sĩ tâm thần, chuyên viên tâm lý, chuyên viên giáo dục đặc biệt… để được hỗ trợ.

—————–

ĐẶT LỊCH THĂM KHÁM TÂM LÝ TRẺ EM TẠI: https://ykhoavanhanh.vn/#dat-lich-kham

LIÊN HỆ ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ TƯ VẤN TỐT NHẤT: https://ykhoavanhanh.vn/lien-he

Fanpage: Trung Tâm Y Khoa Vạn Hạnh

Ngoài ra, quý khách hàng có thể gọi cho chúng tôi qua số điện thoại 028.3535.4096 –  0867 01 09 08 hoặc nhắn tin trực tiếp vào Fanpage để được hỗ trợ sớm nhất

Tin tức khác

van hanh
Liên hệ Close
Đặt lịch
Kiểm tra
sức khỏe
Close