Đau thần kinh: Nguyên nhân, Triệu chứng & Điều trị
Đau thần kinh là gì?
Đau thần kinh xảy ra khi hệ thống thần kinh cảm giác bị tổn thương hoặc có thay đổi chức năng hoạt động. Người bệnh có thể cảm thấy đau với các biểu hiện cấp độ khác nhau của hệ thần kinh trung ương (tủy sống và não) hoặc dây thần kinh ngoại biên. Các dây thần kinh ngoại biên là những dây thần kinh được dẫn truyền khắp phần còn lại của cơ thể bạn đến những nơi như các cơ quan, cánh tay, chân, ngón tay và ngón chân.
Các sợi thần kinh bị tổn thương gửi tín hiệu sai đến các trung tâm đau. Chức năng thần kinh có thể thay đổi tại vị trí tổn thương dây thần kinh, cũng như các khu vực trong hệ thần kinh trung ương đảm trách (gọi là sự nhạy cảm hóa trung ương).
Bệnh lý đau thần kinh là tình trạng tổn thương hoặc có rối loạn chức năng của hệ thống thần kinh cảm giác của cơ thể.
Ví dụ: Bệnh Đái tháo đường là nguyên nhân của khoảng 30% các trường hợp đau thần kinh.
Nguyên nhân gây ra đau thần kinh?
Các nguyên nhân gây ra đau thần kinh có thể là:
Tình trạng nghiện rượu mãn tính
Đái tháo đường
Vi rút: Đau thần kinh sau Zona, đau dây thần kinh trong bệnh HIV…
Một số bệnh lý hệ thần kinh trung ương (Đột quỵ, viêm tủy, chấn thương tủy, bệnh xơ cứng rải rác v.v.)
Hội chứng đau cục bộ phức tạp (do chèn ép, trong bệnh ung thư…)
Các nguyên nhân khác:
Hóa trị liệu với thuốc chống ung thư
Xạ trị
Thủ thuật cắt cụt chi có thể gây ra chứng đau chi ma là một loại đau thần kinh phức tạp
Chèn ép hoặc viêm dây thần kinh cột sống
Chấn thương hoặc phẫu thuật dẫn đến tổn thương dây thần kinh
Khối u chèn ép hoặc xâm lấn dây thần kinh
Triệu chứng của đau thần kinh là gì?
Nhiều triệu chứng có thể có trong trường hợp đau thần kinh:
Đau tự phát (đau không có kích thích): Đau như bị đạn bắn, bỏng, đâm, hoặc giống như điện giật; ngứa ran, tê hoặc cảm giác “kim châm”.
Đau do kích thích: Đau do các kích thích thông thường không gây đau như tiếp xúc với lạnh, cọ nhẹ vào da, ấn, v.v. Tình trạng đau này được gọi là loại cảm đau. Đau do kích thích cũng có thể là sự gia tăng của cơn đau bởi các kích thích gây đau đớn thông thường như kim châm và nhiệt. Tình trạng đau này được gọi là tăng cảm đau.
Một cảm giác khó chịu, bất thường dù là tự phát hay kích thích (hội chứng rối loạn cảm giác).
Khó ngủ và các vấn đề về lo âu, trầm cảm do giấc ngủ bị xáo trộn và tình trạng đau đớn.
Đau có thể giảm bớt khi phản ứng với một kích thích gây đau thông thường.
Đau thần kinh được chẩn đoán như thế nào?
Bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử và khám cho người bệnh. Nếu bác sĩ biết hoặc nghi ngờ người bệnh bị tổn thương dây thần kinh, họ sẽ nhận ra các triệu chứng đau thần kinh điển hình. Sau đó, bác sĩ sẽ cố gắng tìm ra nguyên nhân cơ bản của bệnh lý thần kinh và theo dõi các triệu chứng. Việc thiết lập một kế hoạch điều trị cho người bệnh là tùy thuộc vào chẩn đoán và quyết định điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị đau thần kinh như thế nào?
Mục đích của điều trị:
Điều trị bệnh gốc (ví dụ, xạ trị hoặc phẫu thuật để khối u không chèn ép lên dây thần kinh)
Điều trị triệu chứng đau thần kinh
Cố gắng duy trì chức năng của hệ thần kinh (thay đổi lối sống, dinh dưỡng, tập luyện…)
Liệu pháp đa mô thức (bao gồm nhiều loại thuốc, vật lý trị liệu, tư vấn tâm lý và đôi khi là phẫu thuật) thường được sử dụng để điều trị chứng đau thần kinh.
Các loại thuốc thường được điều trị đau thần kinh gồm có:
1. Các thuốc chống động kinh:
Gabapentin
Pregabalin
Topiramate
Carbamazepine
Lamotrigine
2. Các thuốc chống trầm cảm:
Amitriptyline
Nortriptyline
Venlafaxine
Duloxetine
Các thuốc này đã được các nhà khoa học nghiên cứu thấy có hiệu quả trong điều trị chứng đau thần kinh. Tuy nhiên, tình trạng đau mãn tính có thể trở nên tồi tệ hơn do lo lắng hoặc trầm cảm và bệnh nhân rất cần tư vấn tâm lý hay khám bác sĩ tâm thần kinh, nhất là các trường hợp đau mãn tính kéo dài.
Các phương pháp điều trị tại chỗ như lidocain hoặc capsaicin – miếng dán, kem hoặc thuốc mỡ, có thể được sử dụng trên vùng đau. Thuốc giảm đau opioid ít hiệu quả hơn trong điều trị đau thần kinh và nên cẩn trọng khi sử dụng lâu dài.
Đôi khi các bác sĩ chuyên khoa chỉ định tiêm steroid, thuốc gây tê cục bộ hoặc các loại thuốc khác vào các dây thần kinh bị tổn thương.
Nếu bệnh lý đau thần kinh chưa đáp ứng với các liệu pháp nêu trên thì người bệnh có thể được điều trị bằng kỹ thuật kích thích tủy sống, kích thích thần kinh ngoại biên và kích thích não.
Dự hậu với người bị đau thần kinh?
Đau thần kinh khó được điều trị dứt điểm nhưng thường không nguy hiểm đến tính mạng. Người bệnh sẽ nhận được kết quả tốt nhất khi kết hợp phục hồi chức năng với việc hỗ trợ hồi phục sức khỏe tinh thần, hội nhập xã hội.