Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não: Nguyên nhân, triệu chứng & bài tập phục hồi
Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não (sau đột quỵ) là một tình trạng khó khăn và thách thức đối với người bệnh và những người xung quanh. Sự mất đi hoặc suy giảm sử dụng ngôn ngữ trong cuộc sống hàng ngày không chỉ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, mà còn tác động đến tâm lý, xã hội và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Dưới đây là một số chia sẻ về rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não (sau đột quỵ), từ nguyên nhân, triệu chứng đến cách điều trị và phục hồi.
Nguyên nhân và Triệu chứng
Ngôn ngữ là một hoạt động phức tạp được điều khiển bởi não bộ con người và liên quan đến nhiều vùng não khác nhau, chẳng hạn như vùng Broca, vùng Wernicke, … Mỗi khu vực đều có những chức năng riêng biệt, ví dụ vùng Broca chịu trách nhiệm về khả năng nói và sử dụng ngôn ngữ trôi chảy, còn vùng Wernicke hỗ trợ một người hiểu giọng nói và ngôn ngữ.
Khi các khu vực liên quan đến ngôn ngữ này bị tổn thương do tai biến mạch máu não (đột quỵ), chấn thương sọ não, hoặc các bệnh lý liên quan đến tổn thương vùng ngôn ngữ khác, có thể để lại di chứng rối loạn ngôn ngữ cho người bệnh.
Biểu hiện của rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương não của người bệnh. Một số biểu hiện phổ biến bao gồm:
- Khả năng giao tiếp kém hơn: Người bệnh có thể gặp khó khăn khi nói hoặc hiểu ý nghĩa của các từ và câu.
- Mất khả năng nói hoặc viết: Một số người bệnh có thể mất hoàn toàn khả năng nói hoặc viết.
- Thay đổi trong giọng điệu và phát âm: Giọng điệu có thể thay đổi, người bệnh có thể nói chậm hơn, phát âm không rõ ràng hoặc không chính xác từng từ, nói ngọng, nói lớ.
- Khả năng lựa chọn từ ngữ và cấu trúc câu kém: Người bị rối loạn ngôn ngữ sau tai biến có thể sử dụng sai ngữ pháp hoặc dùng từ ngữ không phù hợp, khiến câu nói trở nên mơ hồ, khó hiểu.
- Khả năng đọc-viết bị ảnh hưởng: Một số người bệnh có thể gặp khó khăn khi đọc và viết, dù là những đoạn văn hoặc bài viết ngắn, đơn giản.
Chẩn đoán và Điều trị rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não
Chẩn đoán rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não (sau đột quỵ) thường được thực hiện bởi các chuyên gia trong lĩnh vực ngôn ngữ học, thần kinh học. Quá trình chẩn đoán bao gồm kiểm tra khả năng hiểu ngôn ngữ, khả năng nói và trả lời câu hỏi, khả năng sử dụng từ ngữ,… và xác định mức độ kèm vị trí của tổn thương não bộ.
Các phương pháp điều trị thường tập trung vào việc cải thiện khả năng giao tiếp của người bệnh, có thể bao gồm:
- Thực hành lặp lại: Bằng cách luyện tập nói từng từ, câu ngắn gọn và lắp đi lặp lại thường xuyên, người bệnh có thể cải thiện khả năng ngôn ngữ dần qua thời gian.
- Sử dụng hình ảnh: Các hình ảnh và biểu đồ có thể giúp người bệnh hiểu và trình bày thông tin một cách dễ dàng hơn.
- Hỗ trợ công nghệ: Công nghệ có thể hỗ trợ cải thiện giao tiếp, chẳng hạn như một số ứng dụng và thiết bị trợ giúp ngôn ngữ.
Phục hồi khả năng ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não
Khả năng hồi phục rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não thường là một quá trình dài và đầy thách thức. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ và đồng hành từ các chuyên gia, bác sĩ có chuyên môn và người thân, bạn bè xung quanh, nhiều người bệnh đó thành công cải thiện khả năng giao tiếp và trở lại cuộc sống bình thường.
Dưới đây là một số bài tập hỗ trợ người bị rối loạn ngôn ngữ sau tai biến phục hồi khả năng giao tiếp:
Tập nói từ
Học cách phát âm chính xác và rõ ràng các từ ngữ cơ bản thông qua việc lặp lại nhiều lần, ví dụ tập đếm số, tập đọc bảng chữ cái hoặc nói tên những đồ vật, con người xung quanh như “cô”, “chú”, “bàn”, “ghế”…
Ban đầu là những từ có 1 chữ, sau đó dần tập những từ có 2 – 3 chữ thường xuyên sử dụng như “ăn cơm”, “uống nước”, “tập thể dục”…
Bệnh nhân có thể sử dụng gương (kiếng) để theo dõi khẩu hình miệng, những cử động của môi và lưỡi để đánh giá sự thay đổi qua thời gian.
Tập nói từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa
Bài tập này vừa luyện tập khả năng nói vừa giúp cải thiện khả năng hiểu ngữ nghĩa của bệnh nhân. Bạn có thể đưa ra một từ và yêu cầu người bệnh nói những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa.
Ví dụ, đối với từ “thấp” thì trái nghĩa là “cao”, “bố” – “ba” – “cha” là 3 từ đồng nghĩa với nhau.
Tương tự với bài tập này, người nhà có thể cho bệnh nhân liệt kê những từ trong cùng một “trường từ vựng”, tức là những từ có mối liên kết với nhau theo một tiêu chí nào đó.
Ví dụ, trường từ vựng “Trường học” sẽ bao gồm những đồ dùng, con người ở trường học hoặc những hoạt động diễn ra trong trường.
Tập mô tả sự vật hoặc hình ảnh
Đối với những bệnh nhân chỉ mất đi một phần khả năng giao tiếp hoặc người bệnh đã dần phục hồi, có thể luyện tập mô tả sự vật xung quanh hoặc hình ảnh có sẵn. Chỉ vào một vật bất kỳ đang ở gần người bệnh hoặc đưa một bức ảnh và yêu cầu mô tả.
Ví dụ, bạn cho người bệnh xem bức ảnh về người thân trong nhà và mô tả những thông tin như đây là ai, bao nhiêu tuổi, đang đi học hay đi làm,…
Tập nói câu hoàn chỉnh
Viết ra các câu đơn giản và yêu cầu người bệnh “bắt chước” cấu trúc câu đó và tạo ra những câu mới tương tự bằng những từ ngữ đã luyện tập. Trong quá trình tập, người nhà nên hướng dẫn người bệnh từ bước nhỏ để tạo câu hoàn chỉnh và làm thế nào để diễn đạt ý tưởng một cách rõ ràng.
Sau thời gian luyện tập thường xuyên và kiên trì, người nhà có thể hướng dẫn bệnh nhân tập đọc báo, đọc sách hoặc tham gia vào các cuộc trò chuyện hàng ngày với người thân, bạn bè, và người khác để cải thiện khả năng giao tiếp.
NGĂN NGỪA ĐỘT QUỴ VỚI GÓI TẦM SOÁT NGUY CƠ ĐỘT QUỴ
Lưu ý rằng, những bài tập trên phải tùy chỉnh dựa trên mức độ và loại rối loạn của từng người bệnh cụ thể. Gia đình và người thân có vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình hỗ trợ người bệnh.
Chính vì vậy, hãy thật chậm rãi và bình tĩnh, động viên khích lệ người bệnh, để người bệnh không tự ti, mặc cảm về tình trạng của mình và cố gắng tạo môi trường để họ luyện tập tốt nhất.
Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não là một thách thức đối với người bệnh và gia đình, nhưng không phải là tình trạng không thể vượt qua.
Bằng cách hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng, quy trình điều trị và nắm được một số bài tập phục hồi, bạn có thể hỗ trợ cho những người bệnh cải thiện tình trạng rối loạn ngôn ngữ.
Đọc thêm bài viết: Đau cột sống và đau gối – Nguyên nhân, cách điều trị