Bệnh đau cơ sợi điều trị ra sao?
Hiện nay ở độ tuổi trung niên y học đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh đau cơ sợi có kèm theo các biểu hiện của stress, căng thẳng, lo âu và mất ngủ.
Thế nhưng, đây lại là chứng bệnh rất “dễ bị bỏ qua” do thường bị lầm tưởng với các bệnh về tâm lý và các hội chứng đau khác nên hầu hết người bệnh hay gặp phải tình trạng không điều trị hợp lý và dễ dẫn đến các tổn thương về tâm lý.
Đau cơ sợi là bệnh như thế nào?
Đau cơ sợi (hoặc đau cơ xơ hóa) là cơn đau mạn tính với đặc trưng là đau cơ xương lan tỏa khắp cơ thể kèm theo chứng mất ngủ, mệt mỏi, lo âu và trí nhớ giảm sút.
Trong bệnh đau cơ sợi còn có hiện tượng khuếch đại cảm giác đau đớn do có sự thay đổi tín hiệu dẫn truyền cảm giác đến não và tủy sống của người bệnh khi xử lý các tín hiệu này.
Do đó, bệnh nhân có thể sẽ cảm giác đau hơn nhiều so với người khác và việc nhạy cảm với cơn đau sẽ càng tồi tệ hơn khi bệnh nhân đang lo lắng, sợ hãi và có thể kéo theo các thay đổi về tâm sinh lý với thời gian.
Nguyên nhân mắc phải chứng đau cơ sợi
Hiện nay vẫn chưa xác định rõ được nguyên nhân bệnh. Tuy nhiên, theo một số giả thuyết đã được nghiên cứu và chấp thuận, đau cơ sợi có thể đến từ:
Yếu tố di truyền: Đau cơ sợi có xu hướng xảy ra trong gia đình, vì vậy các yếu tố di truyền có khả năng góp phần gây ra các rối loạn đau, nhưng vẫn chưa có chứng cứ rõ ràng nào chắc chắn về các gen cụ thể liên quan.
Các biến cố về thể chất hoặc cảm xúc: Đôi khi đau cơ sợi có thể được cho là bị kích hoạt bởi một sự kiện thể chất, chẳng hạn như tai nạn xe hơi… hoặc khi xuất hiện tình trạng tâm lý liên quan đến căng thẳng kéo dài từ học tập và làm việc cũng có thể làm khởi phát tình trạng bệnh.
Bệnh cơ xương khớp mạn tính: Viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp… chữa trị lâu năm không hết sẽ dễ gây áp lực cho người bệnh khiến các cơn đau trở nên dữ dội hơn và dần chuyển sang hội chứng đau cơ sợi.
Triệu chứng lâm sàng của đau cơ sợi
Đau cơ sợi được tìm thấy rất nhiều ở nữ giới hơn nam giới và kèm với các triệu chứng thường gặp như:
- Đau lan tỏa trên cơ thể và đặc biệt có những điểm đau kích hoạt (tăng cảm giác đau khi bị ấn vào điểm đau với 1 lực cố định)
- Đau âm ỉ kéo dài ít nhất 3 tháng
- Hay lo lắng
- Trầm cảm
- Tim đập nhanh
- Rối loạn giấc ngủ
- Rối loạn khớp thái dương hàm
- Thường xuyên đau đầu và đau nửa đầu
Các hội chứng xuất hiện đồng thời với đau cơ sợi, có thể là một hoặc nhiều hội chứng như sau:
- Hội chứng ruột kích thích
- Hội chứng mệt mỏi mạn tính
- Hội chứng chân không yên và ngưng thở khi ngủ
- Hội chứng sương mù Fibro (gây khó khăn trong nhận thức)
Chẩn đoán bệnh đau cơ sợi
Có điểm đau: bao gồm 18 điểm trên toàn cơ thể. Khi chẩn đoán có thể dùng lực 4 kilogam ấn vào các điểm đau (áp lực ấn ngón tay cái của bác sĩ vào các điểm đau), chứng đau cơ sợi được chẩn đoán xác định khi người bệnh có 11/18 điểm đau.
Cách điều trị đau cơ sợi tại TTYK Vạn Hạnh
Đau cơ sợi hiện chưa có cách chữa trị dứt điểm. Đây là vấn đề đau mạn tính nên cần cần áp dụng phương pháp trị liệu đa mô thức.
Các biện pháp chữa trị sẽ chủ yếu tập trung vào việc dùng thuốc và không dùng thuốc đồng bộ trong điều trị cơ xương khớp và tâm thần kinh:
Phương pháp dùng thuốc:
- Thuốc giảm đau thần kinh và đau thụ thể
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc chống trầm cảm
Phương pháp không dùng thuốc:
- Tâm lý trị liệu
- Phản hồi thần kinh
- Thiền và Yoga
Các bác sĩ sẽ khám lâm sàng và liên tục chẩn đoán cho người bệnh để đưa ra một phát đồ điều trị phù hợp nhất với từng giai đoạn của bệnh. Liệu pháp điều trị đa mô thức, kết hợp dùng thuốc và không dùng thuốc thích hợp trên từng bệnh nhân và trong mỗi giai đoạn bệnh cụ thể sẽ giúp điều trị hiệu quả bệnh hơn.