Áp lực công việc và kiệt sức nghề nghiệp: Làm sao để vượt qua?

van hanh

Kiệt sức nghề nghiệp, hay còn gọi là hội chứng “burn-out”, là một vấn đề sức khỏe nghề nghiệp đáng lo ngại trong xã hội hiện đại. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của người lao động.

Trong bài viết này, mời Quý độc giả cùng Trung Tâm Y Khoa Vạn Hạnh tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng tránh hiệu quả đối với hội chứng kiệt sức nghề nghiệp.

Áp lực công việc và kiệt sức nghề nghiệp: Làm sao để vượt qua?

Xem ngay: LIVESTREAM: SỨC KHỎE TINH THẦN NHÀ GIÁO: KHI NGƯỜI “LÁI ĐÒ” CẦN ĐƯỢC THẤU HIỂU

Hội chứng kiệt sức nghề nghiệp là gì?

Hội chứng kiệt sức nghề nghiệp lần đầu tiên được giới thiệu bởi nhà tâm lý học Herbert Freudenberger vào năm 1974. Đây là tình trạng suy giảm nghiêm trọng về năng lượng, tinh thần và cảm xúc do áp lực công việc kéo dài và không được kiểm soát tốt.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong bản phân loại bệnh quốc tế ICD-11, kiệt sức nghề nghiệp không phải là một bệnh lý mà là một hiện tượng xảy ra trong bối cảnh nghề nghiệp.

Hội chứng này được đặc trưng bởi 03 yếu tố chính:

1. Cạn kiệt năng lượng hoặc cảm giác mệt mỏi kéo dài.

2. Tăng khoảng cách cảm xúc với công việc, hoặc thái độ tiêu cực và hoài nghi về công việc.

3. Suy giảm hiệu suất và hiệu quả làm việc.

Kiệt sức nghề nghiệp chủ yếu xảy ra tại nơi làm việc và không áp dụng để miêu tả các trạng thái căng thẳng trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.

Xem thêm: DASS21 – Thang đánh giá trầm cảm – Lo âu – Stress

Nguyên nhân gây kiệt sức nghề nghiệp

Nguyên nhân gây kiệt sức nghề nghiệp

Kiệt sức nghề nghiệp không xuất hiện ngẫu nhiên mà thường bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố liên quan đến công việc và môi trường làm việc.

Các yếu tố này có thể được chia thành 03 nhóm chính:

1. Lĩnh vực làm việc

Một số ngành nghề mang tính chất đặc thù, đòi hỏi người lao động phải đối mặt với áp lực cao, cường độ làm việc liên tục và trách nhiệm lớn. Điển hình là:

  • Nhân viên y tế như điều dưỡng, bác sĩ, phải làm việc trong môi trường căng thẳng với tính chất công việc cấp bách và quan trọng.
  • Giáo viên với áp lực từ chương trình giảng dạy, quản lý học sinh, và kỳ vọng xã hội…
  • Những ngành nghề dịch vụ khách hàng hoặc tài chính, nơi luôn đòi hỏi sự chính xác và hiệu suất cao.

2. Đặc trưng nghề nghiệp

  • Tăng ca, làm việc ca đêm: Lịch trình làm việc không đều đặn hoặc kéo dài có thể ảnh hưởng đến chu kỳ sinh học, gây tình trạng mệt mỏi mạn tính.
  • Tiếp xúc với môi trường độc hại: Những công việc phải tiếp xúc hóa chất, bức xạ, hoặc điều kiện làm việc khắc nghiệt như xây dựng, sản xuất, dễ làm tăng nguy cơ căng thẳng và kiệt sức.

3. Yếu tố nhân khẩu học và xã hội

  • Tình trạng hôn nhân và gia đình: Người lao động đã lập gia đình, đặc biệt là những người phải cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái, dễ rơi vào tình trạng kiệt sức hơn.
  • Cấp bậc và kinh nghiệm làm việc: Những người mới vào nghề hoặc giữ vai trò quản lý thường chịu áp lực cao từ việc đáp ứng kỳ vọng hoặc dẫn dắt đội nhóm.

Đọc thêm: Top 7 phương pháp điều trị mất ngủ hoàn toàn không cần dùng thuốc

Triệu chứng của kiệt sức nghề nghiệp

Hội chứng kiệt sức nghề nghiệp có thể nhận biết qua 03 nhóm triệu chứng chính:

1. Triệu chứng thể chất

  • Cảm giác mệt mỏi kéo dài, ngay cả khi đã nghỉ ngơi.
  • Khó ngủ hoặc mất ngủ, đau đầu thường xuyên.
  • Các vấn đề tiêu hóa, tim mạch hoặc đau cơ do căng thẳng kéo dài.

2. Triệu chứng cảm xúc

  • Dễ cáu gắt, cảm thấy áp lực hoặc thất vọng với công việc.
  • Mất hứng thú hoặc động lực làm việc.
  • Cảm giác bất lực, tự ti và bi quan về tương lai nghề nghiệp.

3. Triệu chứng hành vi

  • Trì hoãn công việc, làm việc không tập trung.
  • Tránh né trách nhiệm hoặc thoái thác công việc.
  • Thay đổi thói quen, chẳng hạn như đi làm muộn hoặc nghỉ không có lý do rõ ràng.

Hậu quả của kiệt sức nghề nghiệp

Hậu quả của kiệt sức nghề nghiệp

Kiệt sức nghề nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác:

  • Sức khỏe: Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính như cao huyết áp, bệnh tim mạch và trầm cảm…
  • Quan hệ xã hội: Làm giảm chất lượng các mối quan hệ cá nhân và công việc.
  • Hiệu quả kinh tế: Tăng tỷ lệ nghỉ việc, giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp.

Đọc thêm: Tại Sao Stress Lại Gây Viêm Loét Dạ Dày?

Thang đo Maslach Burnout Inventory (MBI) đánh giá kiệt sức nghề nghiệp

Để đánh giá mức độ kiệt sức nghề nghiệp, các chuyên gia thường sử dụng Maslach Burnout Inventory (MBI) – một công cụ được phát triển bởi Christina Maslach và Susan Jackson.

Đây là thang đo được công nhận rộng rãi, áp dụng trong nhiều lĩnh vực, với 22 mục để đo lường 3 khía cạnh chính của hội chứng kiệt sức: Kiệt sức về cảm xúc, sự hoài nghi và giảm thành tích cá nhân.

Các mục được viết dưới dạng diễn đạt cảm xúc hoặc thái độ cá nhân. Ví dụ: “Tôi cảm thấy kiệt sức với công việc của mình”, “Tôi thực sự không quan tâm đến những gì xảy ra với một số người khác”.

Các mục được trả lời tự do theo mức độ lựa chọn mà người được hỏi trải qua cảm giác này trên thang điểm 7 (từ 0: Không bao giờ đến 6: Mỗi ngày), cụ thể:

  • Kiệt sức cảm xúc: Gồm 9 mục, đánh giá cảm giác bị chi phối quá mức và suy giảm bởi công việc của một người.
  • Sự hoài nghi: Gồm 5 mục, đo lường phản ứng vô cảm không chính đáng, thái độ thờ ơ, thiếu quan tâm, hoặc giữ thái độ tiêu cực đối với đồng nghiệp, khách hàng, và thậm chí cả công việc của mình.
  • Giảm thành tích cá nhân: 8 mục đánh giá hiệu quả tại nơi làm việc mô tả cảm giác thiếu thành tựu hoặc mất đi năng lực làm việc hiệu quả.

Cách phòng tránh kiệt sức nghề nghiệp

Cách phòng tránh kiệt sức nghề nghiệp

Việc phòng tránh hội chứng này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn cải thiện hiệu suất công việc và chất lượng cuộc sống. Một số biện pháp cụ thể bao gồm:

  • Cân bằng giữa công việc và cuộc sống: Lập kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Sử dụng giờ nghỉ để thư giãn hoặc tham gia các hoạt động thể thao, nghệ thuật.
  • Xây dựng môi trường làm việc tích cực: Duy trì mối quan hệ lành mạnh với đồng nghiệp. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ cấp trên hoặc chuyên gia khi gặp khó khăn.
  • Phát triển kỹ năng cá nhân: Học cách quản lý thời gian và ưu tiên công việc quan trọng. Tham gia các khóa đào tạo để nâng cao năng lực và tự tin hơn trong công việc.
  • Tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất: Thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền định, yoga hoặc hít thở sâu… Tổ chức Y tế Thế giới khuyến khích 1 người trưởng thành nên tập luyện thể dục thể thao ít nhất 5 ngày/ tuần, 30 phút/ ngày. Các hoạt động luyện tập đơn giản có thể là đi bộ, chạy bộ, bơi… Ngoài ra, cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống và giấc ngủ để tăng cường sức đề kháng.
  • Khéo léo nói từ chối: Khi bạn cảm thấy khối lượng công việc đã vượt quá khả năng của mình, đừng ngần ngại từ chối thêm nhiệm vụ hoặc yêu cầu từ đồng nghiệp hoặc cấp trên. Thay vì chỉ nói “không”, bạn có thể đưa ra lý do hợp lý và đề xuất một giải pháp thay thế.
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết: Nếu cảm thấy kiệt sức, hãy tìm đến bác sĩ, nhà tâm lý học hoặc chuyên gia tư vấn để được hỗ trợ kịp thời.

Xã hội phát triển nhanh chóng mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm với áp lực gia tăng trong công việc. Theo báo cáo của WHO, tỷ lệ người lao động mắc hội chứng kiệt sức ngày càng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực đòi hỏi cường độ lao động lớn.

Nhận thức rõ về hội chứng này và chủ động phòng tránh là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe và duy trì hiệu quả công việc.

Hãy để ý đến các dấu hiệu cảnh báo sớm và đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết. Trung Tâm Y Khoa Vạn Hạnh luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn trên hành trình bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất.

Tin tức khác

van hanh
Liên hệ Close
Đặt lịch
Kiểm tra
sức khỏe
Close