Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em và thanh thiếu niên
Sức khỏe tinh thần là yếu tố quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên. Sức khỏe tinh thần liên quan đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của trẻ, ví dụ như liên quan đến sức khỏe thể chất, cảm xúc, mối quan hệ và các hoạt động.
Khi trẻ có sức khỏe tinh thần khỏe mạnh, trẻ có khả năng học hỏi, tiếp thu kiến thức mới, rèn luyện sự tự tin, tính kiên nhẫn, học cách điều chỉnh cảm xúc, đưa ra các quyết định có trách nhiệm và xây dựng mối quan hệ lành mạnh với những người xung quanh.
Sự khỏe mạnh về sức khỏe tinh thần không đến một cách tự nhiên, giống như một cây non cần được tưới nước, chăm bón và tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời để có thể phát triển tốt, sức khỏe tinh thần của trẻ cũng cần được chăm sóc mỗi ngày và suốt đời. Sự hướng dẫn và hỗ trợ của cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng và làm nền móng cho sự phát triển sức khỏe tinh thần của con sau này.
Cha mẹ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho con như thế nào?
Dưới đây là một vài gợi ý để cha mẹ có thể hỗ trợ con:
Bắt đầu bằng việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính cha mẹ
Sức khỏe tinh thần của trẻ em có sự kết nối chặt chẽ với sức khỏe tinh thần của cha mẹ. Cha mẹ là những người hỗ trợ đầu tiên cho con từ những nhu cầu cơ bản nhất như ăn, uống, đi vệ sinh cho đến khi trẻ độc lập hơn và có khả năng tự chăm sóc mình.
Trong quá trình lớn lên, trẻ học được từ cha mẹ cách bộc lộ, phản ứng với cảm xúc và tìm kiếm sự giúp đỡ, có thể nói rằng cha mẹ là những người thầy đầu tiên dạy cho con kỹ năng ứng phó với những khó khăn mà con gặp phải trong cuộc sống.
Nếu sức khỏe tinh thần của cha mẹ bị ảnh hưởng, điều này gây tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần của con. Do vậy, bên cạnh những nỗi lo chăm sóc con cái, công việc, gia đình và các mối quan hệ xã hội, cha mẹ cần được dành thời gian để chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính bản thân mình.
Khuyến khích con chia sẻ cảm xúc
Việc nhận biết và bộc lộ cảm xúc phù hợp là bước đầu tiên quan trọng để trẻ có thể học cách điều chỉnh cảm xúc tốt hơn. Cha mẹ có thể khuyến khích con chia sẻ về cảm xúc của mình bằng cách nói chuyện cùng con từ những chủ đề đơn giản hàng ngày như “Hôm nay con đi học như thế nào?”.
Cha mẹ có thể dành thời gian cùng con tham gia vào các hoạt động, chẳng hạn như chuẩn bị bữa tối, đi dạo cùng nhau để trẻ có cơ hội chia sẻ dễ dàng hơn.
Với một số trẻ, việc nói về những khó khăn là điều không hề đơn giản, đặc biệt là khi trẻ không có thói quen chia sẻ cảm xúc của mình với người khác, lúc này cha mẹ cần hết sức kiên nhẫn và đừng cố gắng bắt trẻ nói ra, trước hết hãy dành thời gian thiết lập lại sự kết nối với con, một số hoạt động bên dưới có thể hữu ích :
Đối với trẻ em
- Cùng chơi một trò chơi trẻ yêu thích (đá bóng, thổi bong bóng xà phòng, đạp xe, thả diều, xếp khối gỗ, lego…)
- Cùng làm đồ handmade đơn giản (làm thiệp, gấp máy bay giấy, gấp quạt, lồng đèn…)
- Cùng vẽ tranh, tô màu
- Cùng hát và nhảy múa theo điệu nhạc mà trẻ yêu thích
- Cùng chơi trốn tìm, săn tìm kho báu…
Đối với thanh thiếu niên
- Cùng đi bộ, đạp xe, đi dạo
- Cùng nấu ăn
- Cùng tập thể dục, yoga, ngồi thiền
- Cùng tham gia các hoạt động thư giãn (tô màu mandala, làm nến thơm, làm gốm, chơi game…)
- Cùng đọc sách
- Chia sẻ về những bài hát yêu thích
Lắng nghe tích cực và thấu hiểu cảm xúc của con
Lắng nghe tích cực thể hiện ở việc cha mẹ dành thời gian và sự chú ý để lắng nghe con mà không đang bận tâm đến những bộn bề lo toan khác. Cha mẹ lắng nghe và thấu hiểu truyền thông điệp rằng cha mẹ quan tâm đến suy nghĩ và cảm xúc của con, cha mẹ ở bên cạnh và sẵn sàng hỗ trợ con vượt qua những cảm xúc khó khăn. Điều này giúp con cảm thấy an toàn và dễ dàng tìm kiếm sự hỗ trợ hơn thay vì từ chối chia sẻ và trở nên khép kín.
Khen ngợi con
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng việc khen ngợi có thể dễ làm con kiêu ngạo và không chịu cố gắng nhưng thực tế là trẻ được khen ngợi đúng cách giúp xây dựng lòng tự tin và thành công hơn trong các lĩnh vực cuộc sống. Khen ngợi không nhất thiết chỉ dựa trên kết quả con đạt được mà còn dựa trên sự nỗ lực và cố gắng của con. Ví dụ không cần chờ đến khi con đạt 10 điểm mới khen con, nếu con đang ở mức 7 điểm và cố gắng đạt điểm 8, điểm 9 thì nỗ lực đó đã rất đáng được khen ngợi.
Bên cạnh đó, lời khen cần được đưa ra một cách rõ ràng, thay vì “Con giỏi quá!” “Làm tốt lắm!”, cha mẹ có thể mô tả cụ thể hơn về điều mà cha mẹ muốn khen con, để con biết chính xác mình được khen vì điều gì, ví dụ như “Ba mẹ rất tự hào vì con đã ôn tập chăm chỉ trong kỳ thi này, kết quả này xứng đáng với những nỗ lực con đã bỏ ra” điều này sẽ thúc đẩy con tiếp tục cố gắng.
Không chỉ việc học mà các hoạt động và lĩnh vực khác của con cũng cần được khen ngợi. Có rất nhiều trẻ lớn lên với niềm tin rằng mình vô dụng và không giỏi bất kỳ việc gì, nếu trẻ học không giỏi thì trẻ cũng nghi ngờ khả năng của bản thân trong các lĩnh vực khác, điều đó làm trẻ kém tự tin, e ngại và không dám đưa ra các quyết định.
Thực tế là mỗi đứa trẻ đều có những thế mạnh riêng và con của chúng ta cũng vậy. Cha mẹ có thể ghi nhận những điều con làm tốt mỗi ngày như chăm sóc cây cối, phụ giúp công việc nhà, biết chia sẻ và giúp đỡ người khác, hài hước, trung thực hoặc khả năng thể thao, vẽ tranh, đàn, hát, nhảy, làm đồ thủ công… Khi trẻ biết điểm mạnh của mình ở đâu, trẻ có niềm tin hơn vào bản thân và có thể sử dụng những nguồn lực bên trong mình để vượt qua khó khăn, thử thách.
Phải làm gì nếu con nói rằng mình có thể đang trầm cảm/ lo âu hay gặp các vấn đề sức khỏe tinh thần khác?
1. Ghi nhận cảm xúc mà con chia sẻ dù đó là buồn bã, lo lắng, tức giận hay sợ hãi. Ghi nhận không có nghĩa là cha mẹ ủng hộ các cảm xúc này, mà có nghĩa là cha mẹ hiểu đây là những cảm xúc con có thể gặp phải trong các tình huống cuộc sống và điều đó hoàn toàn bình thường, không ai có thể sống mà không hề cảm cảm buồn bã hay lo lắng, tức giận hay sợ hãi.
2. Cảm ơn vì con đã nói những điều này với ba mẹ. Đây là cơ hội để ba mẹ có thể hiểu con hơn và động viên con cởi mở chia sẻ với ba mẹ khi gặp khó khăn.
3. Nói với con rằng cha mẹ quan tâm và luôn ở bên con, con có thể nói chuyện hoặc nhờ cha mẹ giúp bất cứ khi nào con cần.
4. Nếu con sẵn sàng, cha mẹ có thể nói chuyện về những điều làm ảnh hưởng đến cảm xúc của con (khó khăn ở trường, mâu thuẫn bạn bè, mối quan hệ trong gia đình…)
5. Thảo luận về những điều có thể khiến con dễ chịu hơn lúc này hoặc cha mẹ có thể làm gì để giúp con?
6. Nếu những khó khăn của con kéo dài, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và các mối quan hệ của con. Cha mẹ có thể cùng con tìm đến các bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý để được trợ giúp.
Thạc sĩ tâm lý Đặng Thị Hữu Duyên
Đọc thêm: Trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên: Hiểu và yêu thương con
Lo âu ở trẻ em và thanh thiếu niên: Nhận biết và điều trị