Tim đập nhanh khi ngủ – Nguyên nhân và cách khắc phục
Tim đập nhanh khi ngủ có thể là cảnh báo của những vấn đề sức khỏe liên quan đến sử dụng rượu bia, caffeine, nicotine, stress, căng thẳng hoặc có sự thay đổi hóc môn trong cơ thể… Các tác nhân khác, ít gặp, nhưng nghiêm trọng hơn, là các bệnh lý về tim mạch hoặc bệnh về rối loạn tuyến giáp.
Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra do bị ảnh hưởng bởi “trục trặc nhỏ” trong quá trình phát nhịp hoặc dẫn truyền tín hiệu điện trong tim, tuy nhiên hiện tượng này thường chỉ thoáng qua và không xảy ra thường xuyên.
Nguyên nhân khiến tim đập nhanh khi ngủ
Nguyên nhân phổ biến nhất của triệu chứng tim đập nhanh khi ngủ là do hiện tượng nhịp tim bị “trật nhịp” hoặc do một số nhịp đập “quá sớm”. Đây được xem là “trục trặc nhỏ” trong hệ thống tim mạch mà hầu hết ai cũng trải qua, và theo như bác sĩ đánh giá: đây là hiện tượng không gây nguy hại đến sức khỏe và nó không kéo dài liên tục.
Trong nhiều trường hợp phổ biến khác, nó còn xuất phát từ nguyên do đột ngột chuyển tư thế nằm nghiêng khi ngủ, tạo sức nén bên trong cơ thể, gây áp lực lên tim và làm gia tăng nhịp mạch đập.
Song, tim đập nhanh khi ngủ không phải lúc nào cũng hoàn toàn đến từ các nguyên nhân “vô hại”, một số tác nhân gây ra triệu chứng với mục đích cảnh báo tình trạng sức khỏe, bao gồm:
- Lo âu, stress, trầm cảm, đặc biệt thường xuất hiện trước khi có các cơn khủng hoảng tâm lý
- Thiếu nước và mất cân bằng điện giải = mất kiểm soát nhịp tim
- Nicotine, sử dụng các loại thuốc có chứa nhiều nicotine
- Người bệnh béo phì hoặc có nguy cơ béo phì, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và mất ổn định nhịp tim
- Sốt
- Hóc môn thay đổi, xảy ra trong thời kỳ mãn kinh và thai kỳ
- Uống nhiều rượu bia, sử dụng caffeine…
Các nguyên nhân bệnh lý, rất ít gặp, sẽ thường đi kèm với nhiều triệu chứng khác. Một số chẩn đoán bệnh:
- Rối loạn nhịp tim
- Rối loạn thần kinh tim
- Nhồi máu cơ tim
- Suy tim
- Tăng huyết áp
- Bệnh động mạch vành
- Bệnh van tim
- Bệnh cơ tim phì đại
- Rối loạn tuyến giáp
- Giảm đường huyết
Tim đập nhanh khi ngủ có nguy hiểm không?
Tim đập nhanh khi ngủ thường không được xem là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, do nó có thể là cảnh báo của các nguyên nhân bệnh lý nên các bác sĩ đã đưa ra khuyến cáo về việc: “…bệnh nhân nên theo dõi biểu hiện này trong một khoảng thời gian để nhận biết sớm các bất thường (nếu có), nhờ đó có thể tầm soát và điều trị bệnh sớm”.
Bên cạnh đó, tim đập nhanh khi ngủ nếu đến từ các vấn đề tâm lý như lo âu, căng thẳng… sẽ có nguy cơ cao khởi phát bệnh mất ngủ, về lâu dài có thể dẫn đến mất ngủ mạn tính.
Cách khắc phục khi gặp phải tình trạng tim đập nhanh khi ngủ
Hầu hết các trường hợp tim đập nhanh khi ngủ không cần điều trị, đặc biệt nếu tình trạng này chỉ thỉnh thoảng xảy ra. Lúc này, tim đập nhanh khi ngủ có thể được thuyên giảm bằng cách:
- Hít thở sâu: có thể kết hợp với thiền hoặc các kỹ thuật thư giãn khác để giảm căng thẳng
- Uống một cốc nước: bù đắp lượng nước thiếu hụt khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu
- Lăn tròn hoặc đứng dậy và đi lại: Thay đổi tư thế có thể là tất cả những gì cần làm để làm giảm nhịp tim. Hãy thử lăn qua lăn lại trên giường, ngồi dậy hoặc đi dạo quanh phòng trong khi hít thở sâu
Nếu tình trạng sức khỏe có dấu hiệu bất thường, gây ra hiện tượng đánh trống ngực, người bệnh sẽ cần phải thăm khám với bác sĩ. Phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán cụ thể tình trạng bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Ngoài ra, nếu nhận thấy bắt đầu xuất hiện triệu chứng tim đập nhanh khi ngủ nhưng có liên quan đến các vấn đề sức khỏe hiện có, người bệnh nên:
- Tránh uống quá nhiều rượu hoặc caffeine, đặc biệt là trước khi đi ngủ
- Bỏ thuốc lá
- Đừng ăn một bữa lớn (đặc biệt là thực phẩm giàu chất béo, tinh bột, muối hoặc đường) ngay trước khi đi ngủ.
- Đến gặp bác sĩ/ chuyên gia tâm lý đẻ điều trị lo âu hoặc trầm cảm
- Thực hiện các bước để giảm căng thẳng hàng ngày. Hãy thử thiền, yoga, thở bằng cơ hoành và các kỹ thuật thư giãn khác.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh, có thể trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn về kế hoạch giảm cân phù hợp và hiệu quả