Đau đầu Migraine – Nguyên nhân, Nhận biết và Điều trị
Đau đầu Migraine là loại đau đầu phổ biến thứ 2 trong các loại đau đầu thường gặp và thường ảnh hưởng nặng nề đến công việc và sinh hoạt hàng ngày. Các triệu chứng của Migraine khá khác biệt so với đau đầu thông thường và có thể chuyển từ cấp tính sang mạn tính nếu không được điều trị hiệu quả.
Các khuyến nghị của các bác sĩ tại TTYK Vạn Hạnh về việc điều trị đau đầu Migraine ở giai đoạn cấp tính là cần thiết vì khi Migraine chuyển sang giai đoạn mạn tính sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân.
Đau đầu Migraine là bệnh gì?
Migraine là tình trạng bệnh đau nửa đầu với đặc tính cơn đau theo nhịp mạch đập và có khả năng luân chuyển, lúc ở nửa đầu này lúc sang nửa đầu bên kia. Cường độ thường ở mức trung bình – nặng và tiến triển đến đau dữ dội, có thể kéo dài từ nhiều giờ đến vài ngày.
Các triệu chứng nhận biết của đau đầu Migraine
Khi bị đau đầu Migraine người bệnh sẽ có các triệu chứng khác nhau xảy đến từ trước và trong lúc “bị tấn công”, được phân loại như sau:
Các triệu chứng nhận biết đau đầu Migraine trước khi cơn đau khởi phát từ 1 – 2 ngày
- Cứng cổ và khó chịu vùng cổ vai gáy
- Thèm ăn hoặc bỏ ăn
- Mức năng lượng trong cơ thể thấp, thường xuyên mệt mỏi và ngáp
- Dễ phiền muộn
- Hay cáu gắt
- Mất ngủ, căng thẳng cao độ trong nhiều ngày
Các triệu chứng nhận biết đau đầu Migraine 30 phút trước khi cơn đau xảy đến (Migraine tiền triệu):
- Thường gặp nhất là các ảo giác về thị giác: các đường sáng zig zag nhiều màu sắc, thường lan rộng ra dần xung quanh, hoặc các vùng ám điểm lớn dần (vùng tối không thấy gì)
- Ít hơn là các ảo giác về cảm giác (tê ½ người) hoặc nói khó
- Hiếm hơn là có thể liệt ½ người
- Các triệu chứng này hồi phục trong vòng 1h
Các triệu chứng nhận biết đau đầu Migraine trong giai đoạn “bị tấn công”:
- Đau đầu dữ dội, kèm theo các cơn đau nhói liên hồi theo nhịp mạch đập
- Đau ở vị trí một bên đầu và luân chuyển, khi thì ở bên trái, lúc lại ở bên phải
- Buồn nôn và nôn mửa
- Tăng độ nhạy với ánh sáng và âm thanh
Nguyên nhân dẫn đến đau đầu Migraine
Hiện nguyên nhân dẫn đến đau đầu Migraine vẫn chưa được xác định rõ, nhưng theo nhiều nghiên cứu cho biết hầu hết sự khởi phát của đau đầu Migraine có liên quan đến yếu tố di truyền. Điều này mang ý nghĩa nếu trong nhà có người đã trải qua Migraine thì khả năng cao các thế hệ sau cũng sẽ có nguy cơ cao mắc phải chứng đau nửa đầu này.
Mặt khác, các thống kê trong những năm gần đây còn cho thấy đau đầu Migraine đặc biệt rất phổ biến ở phụ nữ tuổi trung niên. Ngoài ra, Migraine còn có thể xuất hiện nếu người bệnh đang trải qua hoặc gặp phải các yếu tố thúc đẩy bệnh thường gặp trong cuộc sống hàng ngày sau đây:
- Thay đổi nội tiết, chu kỳ kinh nguyệt
- Thời tiết thay đổi đột ngột
- Căng thẳng thần kinh
- Học tập và làm việc trong môi trường sống không lành mạnh với các thói quen không tốt cho sức khỏe
Phương pháp điều trị đau đầu Migraine tại TTYK Vạn Hạnh
Dựa trên các dấu hiệu nhận biết đau đầu Migraine có thể thấy đây là một căn bệnh gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thường ngày của người bệnh.
Đồng thới, với tính chất dễ tái phát khiến chứng đau đầu này luôn có nguy cơ tiềm tàng dẫn đến mạn tính ở các giai đoạn mà người bệnh hay chủ quan và không tìm đến các giải pháp điều trị phù hợp.
→ Điều trị đau đầu Migraine ở giai đoạn cấp tính tại TTYK Vạn Hạnh:
Thăm khám tại khoa đau – nội thần kinh với các bác sĩ giàu kinh nghiệm để tiến hành chẩn đoán mức độ bệnh cũng như thực hiện xét nghiệm và đánh giá lâm sàng tổng quát tình hình đau nhức của bệnh nhân.
Các liệu pháp chữa trị ban đầu sẽ là dùng thuốc uống và tiếp tục theo dõi tình trạng bệnh.
Kèm theo đó là các biện pháp tâm lý trị liệu phù hợp do người bệnh bị đau đầu Migraine có thể có các biểu hiện của stress và căng thẳng cao độ. Không chỉ thế, việc phối hợp điều trị tâm lý này còn giúp ngăn chặn bệnh tái phát do stress và căng thẳng được xem là một trong các yếu tố thúc đẩy bệnh như đã nói ở trên.
→ Điều trị đau đầu Migraine ở giai đoạn mạn tính:
Khi bệnh đã hoàn toàn trở nặng và thuốc uống không còn nhiều công hiệu, các bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định người bệnh cần tiêm Botulinum Toxin để giảm đau nhức hiệu quả hơn. Đây là phương pháp được ghi nhận ở nhiều ca bệnh tại YK Vạn Hạnh đã giúp bệnh nhân giảm tối đa đau nhức ngay cả trong các trường hợp đau mạn tính đã kéo dài hơn từ vài tháng đến vài năm.
Ngoài ra, có phương pháp mới là kích thích từ trường xuyên sọ (rTMS ), là một phương pháp không dùng thuốc và rất an toàn, cũng giúp giảm đau hiệu quả sau vài tuần điều trị, thích hợp cho BN bị các tác dụng phụ của thuốc hoặc khi tiêm Botox không hiệu quả.
Song, các biện pháp điều trị hỗ trợ khác như Tâm lý trị liệu vẫn được khuyến khích thực hiện nhằm tiếp tục mang lại hiệu quả chữa trị lâu dài cho người bệnh mắc phải chứng đau đầu mạn tính này.
Xem thêm:
Tiêm Botox điều trị đau đầu Migraine