Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở người lớn và cách điều trị
Các triệu chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) ở người lớn là sự tiếp diễn các triệu chứng đã xuất hiện từ khi còn nhỏ, mức độ có thể thay đổi, hoặc nhẹ hơn hoặc nặng hơn. Mặc dù khả năng quản lý hành vi và nhận thức ở giai đoạn tuổi trưởng thành tốt hơn khi còn nhỏ, nhưng người lớn vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ những triệu chứng của ADHD, từ các hoạt động cá nhân cho đến các mối quan hệ xã hội khác.
Xem thêm: Tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ – Nhận biết và Điều trị
Ảnh hưởng của các triệu chứng ADHD ở người lớn
→ Giảm chú ý
Trong các tình huống xã hội, các triệu chứng thiếu tập trung của ADHD ở người lớn có thể gây ra một số vấn đề, chẳng hạn như:
- Một số người trưởng thành phải đối mặt với những thách thức trong việc sắp xếp, tổ chức, lên kế hoạch cho bản thân để chuẩn bị hoặc tham gia vào các hoạt động cá nhân và xã hội.
- Một số người mắc ADHD gặp khó khăn trong việc kết giao, duy trì các mối quan hệ. Nếu họ có thể hòa đồng và kết bạn mới thì sau đó, do ảnh hưởng của sự giảm chú ý, họ thường dễ quên trả lời tin nhắn, hoặc đến trễ hoặc bỏ lỡ các sự kiện, buổi hẹn. Họ dần trở nên ‘không đáng tin cậy’ hoặc những người khác nghĩ rằng họ không quan tâm, ít trao đổi liên lạc và thậm chí có thể bị loại trừ ra khỏi một nhóm hoặc một tập thể.
- Tương tự, người trưởng thành mắc chứng ADHD thường dễ thiếu kiên trì, “cả thèm chóng chán”, ngay cả khi, ban đầu họ rất nhiệt tình với một sở thích hoặc hoạt động nhưng rất nhanh sau đó dễ bị thu hút bởi những hoạt động khác, sự tập trung chú ý của họ dồn về những hoạt động hấp dẫn hơn, và bỏ dở những công việc chưa hoàn thành xong. Cuối cùng, họ lại bực bội với bản thân vì đã lãng phí thời gian, hiệu suất công việc giảm sút.
- Khó tập trung vào các cuộc trò chuyện và không theo kịp nội dung câu chuyện, khiến bản thân người bệnh rất bực bội và họ hoàn toàn không có ý muốn không quan tâm, thờ ơ như những gì người khác nghĩ. Khó khăn này đặc biệt càng tệ hơn nếu họ ở trong môi trường ồn ào với nhiều yếu tố dễ phân tâm, đôi khi ngồi trong quán cà phê với tiếng nhạc cũng khiến họ rất phiền lòng.
Với các khó khăn kể trên, người bị ADHD rất dễ mất tự tin và cảm thấy thất vọng với bản thân. Họ có thể nản chí, thậm chí có thể cảm thấy mình kém cỏi và không hài lòng với cuộc sống của bản thân vì những khó khăn này. Họ thu mình lại, hạn chế tham gia các hoạt động xã hội và kết quả là trở nên cô lập.
→ Tăng động, xung động
Những triệu chứng của tăng động, xung động ở người lớn sẽ khiến họ gặp phải vô số rắc rối trong cuộc sống, giao tiếp và sinh hoạt thường ngày, chẳng hạn như:
- Người có ADHD thường cảm thấy khó khăn khi chờ đợi, dễ xảy ra tình trạng cướp lời nói, nói leo, cắt lời người khác hoặc tỏ thái độ, thâm chí là bực tức, hối thúc người đối diện nói nhanh lên. Điều này thường sẽ khiến người trong cuộc đối thoại/ trò chuyện cảm thấy khó chịu và không muốn duy trì cuộc đối thoại/ trò chuyện, tránh bắt chuyện.
- Những xung động trong ADHD thường khiến người bệnh hay ngọ nguậy, loay hoay tay chân, thường muốn ra khỏi chỗ ngồi, đi lại nhiều. Họ dễ cảm thấy lo lắng, sợ bị đánh giá tiêu cực, không chỉ vậy sự giảm chú ý khiến họ thường bất cẩn, dễ sai sót, chất lượng học tập và công việc đi xuống. Họ sợ những điều này sẽ lặp lại và thường dễ mắc lo âu hơn so với những người bình thường. Trong một nghiên cứu ở người trưởng thành bị ADHD, cứ 4 người bệnh sẽ có 1 người bệnh có rối loạn lo âu lan tỏa
- Mặt khác, do sự xung động, họ thường có những hoạt động thiếu suy nghĩ, không lường trước nguy cơ, hậu quả đã khiến họ nhiều phen khốn đốn như quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn, hoạt động vô tổ chức, không có kế hoạch.
Sự chật vật khi phải vật lộn với các vấn đề xã hội kể trên ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của người bị ADHD. Chính vì thế, việc người bệnh tìm đến cần sa hoặc chất kích thích mạnh, như uống rượu quá mức đã trở nên phổ biến trong cộng đồng người trưởng thành mắc ADHD để giảm bớt lo lắng, bồn chồn, tăng sự tập trung chú ý. Tuy nhiên, hành động này lại dẫn đến một số hậu quả đáng buồn khác.
Điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý – ADHD ở người lớn tại TTYK Vạn Hạnh
Việc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý có thể giúp ích rất nhiều cho người bệnh. Các phương pháp điều trị bao gồm hóa dược trị liệu được kết hợp với một số liệu pháp tâm lý. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể tạo ra sự khác biệt lớn về kết quả.
Các thống kê gần đây cho thấy, lạm dụng chất gây nghiện ở bệnh nhân ADHD trong độ tuổi trưởng thành giảm 30 – 35% trong thời gian điều trị ADHD. Vì thế, tuy các biểu hiện ADHD ở người lớn có thể nhẹ hơn so với các biểu hiện ADHD ở trẻ, nhưng việc thực hiện thăm khám với bác sĩ hoặc tâm lý gia để được chẩn đoán và điều trị triệu chứng từ các giai đoạn sớm vẫn sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình bệnh nhân đối phó với các biểu hiện của ADHD và hòa nhập tốt hơn với các mối quan hệ xã hội.
* Đội ngũ bác sĩ CK Tâm thần giàu kinh nghiệm trong điều trị triệu chứng bệnh tăng động giảm chú ý – ADHD ở người lớn tại TTYK Vạn Hạnh: THS.BS Đào Thị Thu Hương và THS.BS Nguyễn Đào Uyên Trang